Thánh Giê-ra-đô (Gerardo Maiella) sinh năm 1726 ở Muro, một thị trấn nhỏ miền nam nước Ý. Ngài diễm phúc có bà mẹ Benedetta đạo đức. Bà dạy con về tình yêu vô biên của Thiên Chúa và quả thật con bà hạnh phúc vì thấy mình gần gũi Thiên Chúa.
Cha mất năm 12 tuổi, Giê-ra-đô trở thành lao động chính trong nhà. Ngài học việc với một hiệu may trong thị trấn, và chẳng tránh được chuyện bị đàn anh đập đánh. Sau 4 năm học việc, ngay khi thành nghề, Giê-ra-đô bảo rằng mình sẽ là tôi tớ phục vụ cho Đức Giám Mục giáo phận Lacedonia của ngài. Bạn hữu can ngăn, vì đức cha thường xuyên giận dữ quát mắng vô cớ khiến đầy tớ không ai chịu nổi hơn vài tuần. Giê-ra-đô làm bất cứ việc gì, chỉ cần tin rằng đó là ý Chúa. Bị giám mục hay thợ cả đánh đập la mắng, dù đúng sai thế nào ngài vẫn chấp nhận, vì ngài thấy chịu đau khổ như thế là bắt chước Đức Kitô. Ngài nói: “Chúa muốn điều tốt cho tôi”, rồi ngài đến quỳ trước Thánh Thể lâu giờ, trước bí tích Chúa Giêsu chịu nạn và phục sinh.
Năm 1745, 19 tuổi, ngài trở về Muro mở hiệu may của mình. Công việc làm ăn phát đạt nhưng chủ tiệm không có lắm tiền vì hay làm phúc. Ngài để riêng số tiền cần thiết cho mẹ và các em, còn lại thì cho người nghèo hoặc xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Cuộc sống cứ thế trôi đi, không có chuyển biến gì ngoại trừ lòng mến của Giê-ra-đô ngày một tăng tiến vững chắc hơn. Mùa chay 1747, ngài dốc quyết trở nên giống Chúa Kitô hết sức có thể. Ngài thực hành khổ chế nhiệm nhặt và tìm sự khiêm hạ thật sự: giả vờ điên và lấy làm vui khi bị thiên hạ cười nhạo trên đường phố.
Muốn hoàn toàn phục vụ Chúa, ngài đi theo các thầy dòng Anh Em Hèn Mọn (Capuchin) nhưng các thầy không nhận. Ở tuổi 21, ngài cố gắng sống như một nhà tu khổ hạnh. Ngài muốn nên giống Chúa Kitô đến độ chụp ngay lấy một vai chính trong hoạt cảnh Thương Khó thật sống động trình diễn tại Vương Cung thánh đường Muro.
Vào năm 1749, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đến Muro. Có 15 vị thừa sai và họ cuốn hút 3 xứ đạo của thị trấn nhỏ này. Giê-ra-đô theo sát công việc của các cha các thầy và xác quyết đây đúng là cuộc sống của ngài. Ngài muốn theo đoàn nhưng cha bề trên Cafaro không nhận vì lý do sức khỏe. Giê-ra-đô nài nỉ họ đến nỗi khi sắp rời thị trấn, cha Cafaro phải đề nghị gia đình khóa cửa nhốt chàng lại trong phòng.
Một việc xảy ra gây xúc động nhiều thanh niên sau này: Giê-ra-đô buộc khăn trải giường lại, thòng xuống, trèo qua cửa sổ đi theo các thừa sai. Phải đi vội vã 12 dặm ngài mới bắt kịp họ. Giê-ra-đô nói: “Cho con đi với, cho con thử đi, nếu con không tốt thì hãy trả con về”. Cha Cafaro không thể làm gì hơn trước tình cảnh như thế, ngài cho Giê-ra-đô một “cơ hội”. Cha gửi Giê-ra-đô đến cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Deliceto, trong thư giới thiệu, ngài viết: “Con gởi đến cho các cha một người mà theo con chẳng làm được việc gì …”
Giê-ra-đô cảm thấy hoàn toàn yêu thích lối sống mà thánh Anphongsô, đấng sáng lập dòng đã vạch ra. Ngài bị thôi thúc khám phá tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, và ngài cũng mến yêu Mẹ Maria không kém.
Ngày 16.7.1752, Giê-ra-đô khấn lần đầu vào dịp lễ Chúa Cứu Thế, hôm ấy lại trùng với lễ Đức Mẹ Ca-mê-lô. Sự trùng hợp này khiến ngài thích thú. Từ đó, ngoại trừ hai lần đến Napoli (Naple) và thời gian ở Caposele nơi ngài qua đời, hầu như cả cuộc đời tu sĩ của thánh Giê-ra-đô là phục vụ ở cộng đoàn Iliceto.
Câu “chẳng làm được việc gì” của cha Cafaro chừng như không đúng nữa. Giê-ra-đô làm việc rất siêng năng, những năm sau đó ngài làm đủ thứ việc: làm vườn, ông từ nhà nguyện, thợ may, khuân vác, đầu bếp, thợ mộc, đốc công coi việc xây dựng nhà ở Caposele. Giê-ra-đô học hỏi rất nhanh, đi thăm xưởng chạm khắc gỗ chẳng bao lâu, ngài trở nên một tay khắc tượng chịu nạn nhà nghề. Ngài là kho báu của cộng đoàn, nhưng ngài chỉ có một khát vọng: làm theo ý Chúa trong mọi sự.
Năm 1754, khi cha linh hướng yêu cầu thầy Giê-ra-đô viết điều thầy mong ước hơn hết, thầy viết: “Yêu Chúa nhiều, luôn hiệp nhất với Chúa, làm mọi sự vì Chúa, yêu mọi sự vì Chúa, chịu nhiều đau khổ vì Chúa, công việc duy nhất của con là làm theo ý Chúa”
Sự thánh thiện thật sự luôn luôn phải được trắc nghiệm bằng thập giá. Vào năm 1754, thánh Giê-ra-đô đã phải trải qua một thử thách lớn khiến ngài đáng được ơn đặc biệt để giúp đỡ các bà mẹ và trẻ em. Có một thời công việc mà ngài nhiệt tình làm là khuyến khích và giúp đỡ các cô gái muốn đi tu. Thường thì ngài giúp số tiền hồi môn cần thiết để những cô gái nhà nghèo được nhận vào tu viện.
Neria Caggiano là một trong những cô gái như thế. Nhưng rồi cô chán tu, ở tu viện được 3 tuần thì cô về nhà. Để giải thích cho hành động của mình, Neria bắt đầu rêu rao những chuyện sai sự thật về đời sống các nữ tu. Khi những người tốt ở Muro không tin những chuyện như thế lại xảy ra trong một tu viện mà Giê-ra-đô giới thiệu, cô quyết định cứu lấy tiếng tốt của mình bằng cách làm mất thanh danh ân nhân của cô. Cô gởi một lá thư cho thánh Anphongsô, bề trên của Giê-ra-đô, tố cáo rằng thời gian vừa qua thầy Giê-ra-đô đã lỗi đức khiết tịnh với một cô gái nhỏ trong gia đình mà ngài thường đến trọ khi đi làm việc.
Thầy Giê-ra-đô bị thánh Anphongsô gọi lên để trả lời. Thay vì chống đỡ, thầy im lặng theo gương Thầy Chí Thánh. Trước sự im lặng này, thánh Anphongsô không quyết định được gì ngoài việc bắt thầy phải chịu một hình phạt sám hối nghiêm khắc: không được rước lễ, không được liên hệ với bên ngoài.
Đối với thánh Giê-ra-đô, thật chẳng dễ gì lấy công việc nặng nhọc phần xác mà đổi được việc đọc kinh cầu nguyện phần hồn, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với chuyện bị tước mất Thánh Thể. Ngài cảm thấy mất mát đến độ xin đừng cho ngài giúp lễ nữa, kẻo ước muốn được rước Chúa khiến ngài cướp mất Mình Thánh Chúa trên tay cha chủ tế.
Một thời gian sau, cô Neria lâm bệnh nguy kịch, cô viết một bức thư cho thánh Anphongsô thú nhận tội vu khống của mình. Thánh Anphongsô lòng tràn ngập mừng vui vì con cái mình vô tội. Nhưng Giê-ra-đô đã chẳng ngã lòng trong cơn thử thách thì nay cũng chẳng lấy làm phấn chấn lắm khi được chứng minh là vô tội. Trong cả hai giai đoạn, ngài cảm thấy ý Chúa được vẹn tròn, đối với ngài như thế là đủ.
Ít vị thánh có quá nhiều sự kiện lạ lùng được ghi nhận như thánh Giê-ra-đô. Qua tiến trình xin phong chân phúc và hiển thánh cho ngài, người ta thấy các phép lạ ngài làm quả thực muôn màu muôn vẻ và vô cùng phong phú.
Thánh Giê-ra-đô thường rơi vào trạng thái ngất trí khi cầu nguyện hay khi ước muốn thiết tha kết hợp với Chúa. Trong những lúc như thế, cả người ngài được nhắc lên khỏi mặt đất. Có những ghi nhận đáng tin cậy chứng minh rằng hơn một lần ngài có mặt và trò chuyện ở hai nơi khác nhau cùng một lúc.
Những phép lạ nổi tiếng nhất của ngài là những phép lạ giúp đỡ người khác. Khi đọc hạnh thánh Giê-ra-đô, những việc lạ lùng cứ theo nhau xảy ra khiến người ta dần dần cảm thấy như đó là chuyện bình thường. Ngài cứu sống một cậu bé rơi từ vách đá cao, chúc lành cho phần lúa mì ít ỏi của một gia đình nghèo khiến nó cứ còn mãi không vơi cho đến mùa gặt, đi trên mặt nước để đưa một chiếc thuyền đánh cá vượt qua cơn bão an toàn vào bờ. Nhiều lần ngài làm cho bánh hóa nhiều để phân phát cho người nghèo. Có khi ngài nhắc người ta về những tội kín đáo của họ khiến họ phải ngượng ngùng thú nhận, rồi ngài giúp họ hoán cải để được ơn tha thứ.
Việc ngài nâng đỡ các bà mẹ đã bắt đầu rồi, ngay khi ngài còn sống. Một lần nọ, khi từ giã gia đình người bạn là Pirofalo, cô con gái trong nhà chạy theo đưa cho ngài chiếc khăn ngài bỏ quên. Lúc ấy Giê-ra-đô nói tiên tri: “Cứ giữ nó đi, một ngày nào đó cháu sẽ cần nó”. Cái khăn ấy được giữ như một vật kỷ niệm quý giá. Sau này, cô gái ấy có nguy cơ chết khi sinh con. Cô nhớ lại lời thánh Giê-ra-đô và nhờ người mang lại cho cô tấm khăn ấy. Hầu như ngay lập tức cơn nguy hiểm qua đi và cô sinh con khỏe mạnh. Trong một trường hợp sinh khó khác, bà mẹ xin mọi người đọc kinh kính thánh Giê-ra-đô thì cả hai mẹ con an toàn qua cơn nguy hiểm.
Năm 1755, ngài bị xuất huyết trầm trọng và cả bệnh lỵ. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng ngài vẫn còn nợ anh em một bài học quan trọng về sức mạnh của đức vâng phục. Bề trên ra lệnh cho ngài phải khỏe lại, nếu đó là ý Chúa. Lập tức bệnh của ngài dường như biến mất, ngài rời khỏi giường và lại tiếp tục công việc bình thường với anh em. Tuy nhiên, ngài biết sự chữa lành này chỉ là nhất thời và ngài chỉ còn sống được hơn một tháng nữa thôi.
Chẳng bao lâu ngài lại trở về giường bệnh và bắt đầu chuẩn bị cho cái chết của mình. Ngài không còn nhận ra ý Thiên Chúa chút nào nữa, những dòng chữ này được ghi trên cửa: “Tại đây ý Thiên Chúa được thi hành, khi Người muốn và như Người muốn”. Thường thì ngài muốn nghe đọc lời nguyện này: “Lạy Chúa, con muốn chết để làm theo thánh ý Chúa”. Trước nửa đêm 15.10.1755 một chút, linh hồn trong trắng của thánh Giê-ra-đô đã về với Thiên Chúa.
Lúc thánh Giê-ra-đô qua đời, thầy coi nhà nguyện, theo sự sôi nổi của mình đã đánh chuông lễ thay vì chuông báo tử. Hàng ngàn người đến viếng “ông thánh của họ” và cố gắng tìm một chút kỷ vật của người đã thường giúp đỡ họ. Sau cái chết của thánh Giê-ra-đô, trên khắp nước Ý, người ta bắt đầu thuật lại các phép lạ ngài đã làm. Năm 1893, Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII phong Chân Phúc cho ngài. Ngày 11.12.1904. Đức Giáo Hoàng Pi-ô X đặt ngài lên hàng hiển thánh.
Giê-ra-đô - Vị thánh của các bà mẹ
Nhờ sự cầu bầu của thánh Giê-ra-đô, Thiên Chúa đã thực hiện nhiều việc lạ lùng cho các bà mẹ nên các bà mẹ ở Ý rất yêu mến ngài và nhận ngài làm đấng bảo trợ. Trong tiến trình phong chân phúc cho ngài, một nhân chứng đã xác quyết rằng ngài được mệnh danh là “il santo dei felice parti” tức là vị thánh giúp mẹ tròn con vuông. Lòng sùng kính này rất phổ biến ở Bắc Mỹ, cả Hoa Kỳ lẫn Canada.
Hàng ngàn bà mẹ được ơn nhờ sự cầu bầu của thánh Giê-ra-đô qua sinh hoạt Liên Minh Thánh Giê-ra-đô. Nhiều bệnh viện đặt khoa sản dưới sự bảo trợ của ngài, trao cho bệnh nhân huy hiệu và kinh cầu nguyện với thánh nhân. Hàng ngàn đứa trẻ được cha mẹ đặt tên theo thánh Giê-ra-đô vì tin rằng nhờ ngài mà con cái họ chào đời mạnh khỏe. Không phải chỉ có bé trai mới được đặt tên theo ngài, cả các bé gái cũng thế. Thật thú vị khi chúng ta nghe gọi những tên như Gerarda, Geralyn, Gerardine, Geriane, Gerardette.
Bài: Sưu tầm & Biên tập