Trụ đài nằm chính giữa Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican là một cột đá Ai Cập cổ đại, có niên đại từ thế kỷ XIX trước Công nguyên. Cột đá này được cho là đã được dựng lên để tôn vinh vẻ đẹp lộng lẫy của đền Heliopolis, một trong những ngôi đền lớn nhất thờ thần Re, vị thần Mặt Trời trong thần thoại Ai Cập cổ.
Cột đá này được đưa đến Roma vào năm 37 sau Công nguyên, dưới thời hoàng đế Caligula. Ban đầu, nó được dựng tại Circus của Nero, nơi Thánh Phêrô và nhiều tín hữu Kitô đã chịu tử đạo. Sau khi khu vực này bị bỏ hoang, cột đá vẫn đứng nguyên tại chỗ cho đến tận thế kỷ XVI.
Vào năm 1586, Đức Giáo hoàng Sixtus V đã ra lệnh di chuyển cột đá này đến vị trí trung tâm của quảng trường hiện nay, như một biểu tượng cho quyền lực vĩnh cửu của Giáo hội. Việc di dời được thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Domenico Fontana, với sự huy động khoảng 900 công nhân, 75 con ngựa, và 44 máy tời. Cột đá cao 25,3 mét, nặng khoảng 330 tấn, đã được dựng lên thành công chỉ trong một ngày – vào ngày 10 tháng 9 năm 1586.
Trên đỉnh cột, một quả cầu bằng đồng chứa một mảnh Thánh Giá đã được thêm vào, thay cho quả cầu vàng ban đầu. Tại chân cột là bốn con sư tử bằng đồng, do nghệ nhân Prospero Antichi chế tác, tạo thành một bệ đỡ uy nghi và vững chắc.
Mặc dù là cột đá Ai Cập, nhưng cột này không có chữ tượng hình. Thay vào đó, Đức Giáo hoàng đã cho khắc lên chân đế câu tung hô nổi tiếng của hoàng đế Charlemagne (Carolin):
“Christus vincit, Christus regnat, Christus imperat, Christus ab omni malo plebem suam defendat.”
(Chúa Kitô chiến thắng, Chúa Kitô trị vì, Chúa Kitô chỉ huy, xin Chúa Kitô bảo vệ dân Ngài khỏi mọi sự dữ.)
Một nghi lễ long trọng đã được cử hành để thánh hiến trụ đài vào năm 1586 – biến cột đá cổ xưa này trở thành một phần sống động trong đời sống phụng vụ và tín ngưỡng của Giáo hội.
Từ đó, trụ đài Thánh Phêrô không chỉ là một di tích lịch sử quý giá, mà còn là một biểu tượng sống động cho mối nối giữa đức tin Kitô giáo và văn hóa cổ đại, giữa quá khứ và hiện tại. Như xưa, khi trụ đài còn nằm gần Vương cung thánh đường Constantin, đã là tâm điểm của những người hành hương và từng được gọi là “cây kim của Thánh Phêrô”. Ngày nay, trụ đài tiếp tục là dấu chỉ đức tin, thu hút các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng, cầu nguyện và suy niệm về lịch sử cứu độ được tạc ghi trong lòng Giáo hội.
Ngoài giá trị lịch sử và nghệ thuật, cột đá còn đóng vai trò như một chiếc đồng hồ mặt trời: bóng của nó chỉ chính xác giờ giữa trưa, nhờ các đĩa đá cẩm thạch trắng được chạm khắc trên nền quảng trường.
Sưu tầm & biên soạn