Thánh Padré Pio tên thật là Francesco Forgione sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 tại Pietrelcina, Benevento, miền Nam nước Ý trong một gia đình nông dân. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, New York để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy Ngài bị ho lao, họ đã cho Ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Ở tuổi 23, thầy Piô được phong chức linh mục, và sống cuộc đời bình dị, lặng lẽ, nếu không xảy ra những sự kiện bất ngờ sau đó. Vào ngày 20.9.1918, lúc 31 tuổi, trong lúc nghe tín hữu xưng tội, Padre Pio phát hiện bằng chứng đầu tiên cho thấy sự xuất hiện dấu Thánh (Stigmata) tương tự như Chúa Giêsu khi chịu đóng đanh trên thánh giá, nghĩa là ngực, hai bàn tay và hai bàn chân bị đâm thủng qua và hằng ngày máu từ các vết thương đó chảy nhỉ ra làm ướt đẫm các khăn băng và cả áo quần khiến Ngài vô cùng đau đớn.
Sau khi được in dấu Thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm Ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp Ngài. Sau đó Ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của Ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày, người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó.
Hiện tượng này tiếp diễn suốt 50 năm, cho đến ngày Ngài mất. Theo một số nhân chứng, máu chảy từ các vết thương tỏa mùi thơm giống hương hoa, và dù máu không ngừng chảy, chỗ vết thương không bao giờ bị nhiễm trùng.
Mọi người nói rằng Ngài phải mất đến nửa lít máu mỗi ngày, theo ông Luciano Lamonarca, Chủ tịch Quỹ Thánh Piô. Những vị Thánh khác cũng từng mang dấu Thánh trên người, như Thánh Phanxicô (thế kỷ 13). Ông Lamonarca cho hay, bất chấp những vết nhục hình xuất hiện thường trực trên cơ thể cha Thánh Piô, khi lìa thế, da của Ngài không hề có vết thương nào, “Như thể da của trẻ sơ sinh”. Trước những lời đồn ác ý cho rằng những vết thương trên do vị linh mục dùng axít carbonic tạo nên, trong đó có sử gia Sergio Luzzatto, ông Lamonarca đã bác bỏ bằng cách kể lại trải nghiệm của chính mình. Vào năm 2011, trong lúc đau buồn vì vợ sẩy thai, hai vợ chồng ông đã tiếp xúc với một chiếc khăn tay dính máu của cha thánh Piô. Họ ngửi thấy một mùi hoa hồng nồng nàn, thường xuất hiện ở các thánh tích và òa khóc nức nở. Không lâu sau đó, ông Lamonarca và vợ đã có tin vui.
Các nhân đức và sự Thánh thiện của Đấng Đáng Kính Piô được Đức Giáo Hoàng John Paul II công nhận ngày 18 tháng 12 năm 1997 và hai năm sau Đức Thánh Cha đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02 tháng 5 năm 1999.
Đức Giáo Hoàng John Paul II đã công nhận một phép lạ chữa lành chứng sưng màng óc của bé Matteo Pio Colella, 7 tuổi con trai của một bác sĩ làm việc cho nhà “Chữa trị cho Người đau khổ” tại bệnh viện ở San Giovanni Rotondo do sự cầu bầu của Chân Phước Pio ngày 20 tháng 12 năm 2001. Đức Thánh Cha John Paul II đã nâng Chân Phước Piô ở Pietrelcina lên hàng Hiển Thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002 tại quảng trường Thánh Phêrô, Rome.
Thi hài thánh Padre Piô hiện quàn tại San Giovanni Rotondo. Nhưng trước khi được đưa trưng bày công khai cho các tín hữu kính viếng khuôn mặt thánh Padre Piô đã được sửa sang lại bằng chất Silicon như chúng ta thấy và thi hài thánh nhân cũng đã được xức thuốc. Hiện người ta chỉ nhìn thấy đầu các ngón tay của thánh nhân hơi bị đen. Còn hai chân được mang tất che kín lại.
Cho đến nay đã có khoảng hơn 800.000 tín hữu từ khắp mọi nơi kéo về kính viếng và cầu nguyện bên thi hài thánh Padre Piô.
Bài: Sưu tầm & biên soạn