Albertô Cả (tiếng Latinh: Albertus Magnus) sinh ra ở thế kỷ 13 trong một lâu đài bên bờ sông Đanub ở Swabia, thuộc miền tây nam nước Đức. Albertô học tại trường đại học của thành Pađua, nước Ý. Ngài còn được biết đến là Albertô thành Köln (Đức), là một tu sĩ Dòng Đa Minh, người được biết đến với tầm hiểu biết sâu rộng.
Thánh Albertô Cả yêu chuộng việc học hành. Các môn khoa học tự nhiên, nhất là vật lý, thiên văn, địa lý và sinh học là những môn làm Albertô say mê hơn cả. Thánh nhân đã viết rất nhiều sách về những môn học này. Trong một tác phẩm của mình, Albertô khẳng định trái đất thì tròn. Albertô cũng viết sách về triết học, toán học, Kinh Thánh và thần học. Thánh nhân cũng là một giáo sư danh tiếng dạy ở nhiều trường đại học.
Ông là người ủng hộ cho sự tồn tại hòa hợp giữa khoa học và tôn giáo. Albertô được coi là nhà triết học và thần học vĩ đại nhất của Đức thời Trung Cổ. Ông cũng là người đầu tiên trong các học giả Trung cổ áp dụng triết học của Aristotle vào tư tưởng của đạo Cơ đốc. Ông cũng là một trong số 35 người được Giáo hội Công giáo Rôma tôn phong tiến sĩ Hội thánh.
Thánh Albert Magnus quan tâm đến mọi thứ, háo hức tìm hiểu mối quan hệ giữa đức tin và khoa học, và dành nhiều thời gian nghiên cứu thiên văn học cũng như sinh học, trở thành một trong những cột trụ của dòng Ða Minh thời Trung Cổ.
Cách đây ít năm, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế chính thức tuyên bố đặt tên lại cho ý tưởng đóng vai trò nền tảng, cơ sở quan sát đầu tiên về thuyết vũ trụ không ngừng giãn nở. Họ gọi nó là định luật Hubble, còn được gọi là định luật Hubble-Lemaître, hỗ trợ cho giả thuyết về vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ. Nếu nhà khoa học Edwin Hubble là người đầu tiên thiết lập phương trình mô tả hiệu ứng giãn nở của vũ trụ, bản thân giả thuyết này lần đầu tiên do một nhà khoa học Bỉ - cũng là một linh mục đề xuất. Ðó là cha Georges Lemaitre.
Là một giảng viên nổi tiếng và đóng vai trò linh hướng trong dòng Ða Minh, Thánh Albert soạn thảo chương trình giảng dạy của nhiều môn học, đặc biệt là phần nhập môn triết học, bao gồm “triết lý tự nhiên” hoặc các nguyên tắc cơ bản trong lập luận của triết gia Aristotle và những người khác. Chương trình học này nhanh chóng tạo đà ảnh hưởng và lan rộng khắp phần còn lại của Giáo hội. Và trong lúc nghiên cứu, giảng dạy, truyền giáo, Thánh Albert lập luận rằng Chúa đã để mọi sự vật được phát triển theo lý lẽ riêng của chúng, nhưng toàn bộ mọi thứ đều xuất phát từ Thiên Chúa.
Trong số các sinh viên của ngài thời đó có một người trẻ tuổi bị bạn bè trêu chọc là “con bò đực ngu dốt”, dựa trên kích thước hình thể to lớn và tính tình lặng lẽ của người này. Thế nhưng, Ðức cha Albert lại phát hiện đây là một thiên tài, và nói trước lớp rằng nam sinh mà mọi người chế nhạo sẽ sớm nổi tiếng trên toàn thế giới. Và lời tiên đoán của ông trở thành hiện thực, thế giới sau này đều biết đến tên tuổi của người sinh viên, Thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô).
Năm 1260, Ðức Giáo Hoàng Alexandre IV tấn phong ngài làm Giám mục thành Regensburg. Ngài đảm nhiệm vai trò mới với lòng khiêm cung, từ chối dùng ngựa mà thay vào đó đi bộ khắp nơi để rao giảng. Ðức cha đã hỗ trợ xây dựng nên đại học cổ nhất tại Ðức là Ðại học Cologne, bảo vệ các luận điểm của Thánh Thomas Aquino (Tôma Aquinô).
Thánh Albert qua đời năm 1280, và được tôn phong là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1931. Ngài được vinh danh là Thánh bổn mạng của các nhà khoa học tự nhiên vào năm 1941. Vị Thánh đã để lại kho tàng gồm 38 cuốn sách trong nhiều lĩnh vực. Những tài liệu này giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới mà Chúa đã sáng tạo, để con người chăm sóc và sử dụng một cách khôn ngoan.
Bài: Sưu tầm & Biên tập