Nhà thờ Giáo xứ Hà Dừa hiện nay phía Ðông giáp Giáo xứ Bình Cang (Ngã Ba Cải lộ tuyến, ranh giới Xã Diên Toàn). Tây giáp Giáo xứ Ðất Sét (Huyện Khánh Vĩnh). Nam giáp Giáo xứ Cư Thịnh (Cầu Lùng) và Giáo xứ Ðồng Hộ (Cầu Ông Ðường). Bắc giáp Giáo xứ Cây Vông (Sông Cái) và Giáo xứ Ðồng Dài.
Theo tài liệu lịch sử "Histore de la mission de cochinchine" (1958-1823) thì Giáo xứ Hà Dừa có trước năm 1740 vì ở trang 131 ghi như sau: Visitatio Ecclesiae in Pago HA DUA (21.09.1740) Hace Ecclesia crecta fuit Abraham III Ð Go me Labbé MARINO, Episcopo Tipolitans subtitnlo s. Josephi.
Có dịp đến Diên Khánh, sau khi đi qua khỏi Tây Môn thành Khánh Hoà (một di tích lịch sử do Tướng Võ Tánh xây dựng cách đây hơn thế kỷ để chống Tây Sơn, sau này là cơ sở đầu não tỉnh Khánh Hoà của Nam Triều), rồi theo tỉnh lộ 4 đi về hướng tây khoảng trên 100m, du khách sẽ gặp một ngôi Thánh đường đồ sộ, nguy nga; tháp chuông cao ngất và tường xây chung quanh, đó là Thánh đường Giáo xứ Hà Dừa.
Không hiểu danh từ "Hà Dừa" có tự bao giờ và trong bối cảnh lịch sử ra sao, nhưng theo truyền thuyết thì xưa kia hai bờ sông mọc toàn loại dừa nước nên mới có tên Hà Dừa, tức là xứ có nhiều dừa hay là sông dừa (Hà là sông, dừa là cây dừa).
Giáo xứ Hà Dừa là một trong những giáo xứ có lâu đời tại Khánh Hoà, hầu hết giáo dân không là dân nguyên quán mà có lẽ từ những tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, được qui tụ bởi phong trào Nam tiến thời Chúa Nguyễn.
Hà Dừa xưa có chung Thánh đường với giáo xứ Cây Vông ở Hà Gai (thuộc Xã Diên Lâm hiện nay) một vài di tích vẫn còn trong vùng đất ông Lập, nội tổ ông Nguyễn Bàn, sau bị đốt phá mới di chuyển về khuân viên hiện nay thuộc làng Trường Thạnh.
Thánh đường đầu tiên được thành lập trên khuôn viên hiện tại nhưng chắc chắn là có trước khi Võ Tánh xây thành Khánh Hoà và đến năm 1870, Cố Bửu (Geffroy) kiến tạo lại theo kiểu Á Ðông, tuy nhỏ nhưng rất đẹp, có hai cửa ngõ lầu giống cửa thành. Còn Thánh đường như hiện nay được xây dựng bằng hai thời kỳ, đầu tiên năm 1893 do Cố Ngoan (Saulcoy), Ngài vận động giáo dân đốn gỗ, phái ông chức Tích đi Làng Sông và Kim Châu lấy kiểu chạm trổ, Cha Nhuận vẽ sơ đồ. Năm 1917, Cố Quới (Salomez) mới xây tháp chuông, đóng trần Nhà thờ, làm nhà xứ.
Năm 1924 Cố Nghiêm (Guéno) đến, mở rộng Thánh đường, xây thành, mua hai chuông và đến năm 1932 mới đưa hai chuông lên tháp.
Một Ngôi Thánh đường cổ kính với hơn 100 năm vẫn uy nghi tỏa sáng là biểu tượng cho truyền thống đạo đức của bổn đạo Hà Dừa.
Bài: Sưu tầm & Biên tập