Vào những năm đầu của thập niên 1960, nơi đây đã có một số dân địa phương Công Giáo sinh sống. Trong thời kỳ chính quyền phát động chương trình mở rộng việc khai khẩn ruộng hoang vùng Đồng Tháp Mười, có thêm một số di dân về đây làm ăn. Thời điểm ấy Cha Tô Đức Bạch đã thành lập những khu dân cư dọc theo con đường bên bờ kênh đào Đồng Tiến. Tính từ ngả ba An Long vào sâu trong đồng một đoạn đường chừng gần 20 km, Cha Tô Đức Bạch phân chia, cứ khoảng 7 km thành lập một Khu. Như vậy khu I là An Long, rồi khu II, khu III, khu IV. Riêng khu IV được Cha Bạch chọn làm trung tâm, và từ đó tiếp nối những Khu khác… Vì khu IV là trung tâm, nên dân cư quy tụ về đó đông đúc, và phồn thịnh nhất. Khu I thưa thớt, khu II cũng tương tự, còn khu III hoang vắng.
Trong thời điểm đó, Cha Bạch có làm một nhà nguyện nhỏ cho giáo dân An Long, lúc ấy được kể là khu I. Với số giáo dân ít ỏi, An long lúc bấy giờ có thể xem như một giáo điểm.
Đến năm 1970, vì hoàn cảnh chiến tranh, trên 4000 kiều bào Công Giáo từ trên 30 họ đạo sống trên đất Campuchia đã phải hồi hương, bỏ lại sau lưng ruộng vườn và phần lớn tài sản của mình trên đất khách. Những người này đã được tạm cư trên một phi trường dã chiến ngay ở Khu I này, chờ đợi được di dời đến một nơi sống ổn định. Lúc ấy có Cha Sanh đã dẫn dắt Việt kiều từ Campuchia về. Sau đó Cha đã dẫn một số đông giáo dân đi nơi khác lập nghiệp, một số tự mình tìm nơi phù hợp sinh sống, số còn lại cố gắng thích nghi cuộc sống mới, ngay tại phần đất này.
Giáo xứ An Long được thành lập vào khoảng năm 1970 và nhận tước hiệu Đức Mẹ Lên Trời làm bổn mạng.
Tiền thân của nhà thờ An Long là một kho chứa lúa của một họ đạo lân cận, được làm bằng cây cối tạp nhạp, giáo dân An Long xin về dựng lên làm nhà thờ tạm từ những năm tháng đầu tiên thành lập họ đạo.
Nhà thờ An Long mới cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 27 tháng 5 năm 2009 và được khánh thành và cung hiến vào ngày 16 tháng 6 năm 2016.
Bài: Sưu tầm & Biên tập