Miền Tây Nam bộ không phải là nơi có đông giáo dân công giáo. Thế nhưng có một địa điểm ở Bến Tre, thời xưa đường xá đi lại rất khó khăn lại tập trung rất nhiều giáo dân, Nơi đây có cha xứ người Pháp, cũng là nơi các thừa sai người Pháp, Tây Ban Nha thường xuyên lui tới. Nơi đây có ngôi Nhà thờ cổ xưa vào bậc nhất Việt Nam, đó là giáo xứ Cái Mơn.
Cái Mơn không phải là tên một đơn vị hành chính, mà là tên của giáo xứ, giáo hạt (trực thuộc giáo phận Vĩnh Long). Xét theo vị trí địa lý thì vùng đất này thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre.
Theo sử sách ghi lại, từ năm 1700 Cái Mơn là trung tâm truyền giáo của các cha dòng Phanxicô. Cũng vào thời gian này (năm 1700) chúa Nguyễn cấm đạo gắt gao nên giáo dân từ Phú Yên tìm đường vào Nam để lánh nạn. Những gia đình giáo dân từ miền Trung đầu tiên tìm đến Cái Mơn lập nghiệp từ năm 1702, lập nên các họ đạo.
Từ năm 1802 đã có các cha thừa sai Pháp và Tây Ban Nha sang âm thầm giảng đạo. Cha sở Cái Mơn lâu năm nhất là cha Gernot, người Pháp (giáo dân Việt gọi là cha Quý). Ông nhận chức cha sở Cái Mơn suốt 48 năm (1864 - 1912). Ông chính là người cho xây nhà thờ Cái Mơn tồn tại đến ngày nay.
Cái Mơn thời đó được chú ý vì cha xứ Cái Mơn là người Pháp, lại thêm Cái Mơn là quê hương nhà bác học Trương Vĩnh Ký, người có công truyền bá chữ Quốc ngữ, nên đa số các thừa sai trẻ người Pháp sang Việt Nam giảng đạo đều tới Cái Mơn để học tiếng Việt. Do vậy nhà xứ Cái Mơn rất rộng lớn.
Năm 1803 một Nhà thờ nhỏ thô sơ được dựng lên ỏ xóm ông Bái để đọc kinh dự lễ khi có Cha đến. Đây là nguồn gốc Nhà thờ Cái Mơn đầu tiên nhưng xác định địa điểm thì đến giờ không ai còn biết chính xác.
Nhà thờ Cái Mơn đầu tiên được xây dựng năm 1803, Nhà thờ này nhỏ thô sơ được dựng lên ỏ xóm ông Bái để đọc kinh dự lễ khi có Cha đến. Đây là nguồn gốc Nhà thờ Cái Mơn đầu tiên nhưng xác định địa điểm thì đến giờ không ai còn biết chính xác.
Năm 1854 Cha Phêrô Tám được chính thức chỉ định là Cha xứ (Nam kỳ Địa phận). Chính Cha đã cổ động giáo dân xây cất Nhà thờ bằng cây, vách ván, lợp lá tại xóm rạch Ông Mầu ngay phần mộ Thánh Minh ngày nay. Đây là Nhà thờ thứ hai của Cái Mơn. Thời kỳ này trong sổ có ghi tên một giới chức là ông Trùm Can.
Năm 1864 Cha Gernot, tên thường gọi là Bề Trên Qúi là Cha sở kiêm Bề Trên Nhà phước Cái Mơn. Năm 1872 cùng với ông Trùm Ngọ làm quản đốc Cha Gernot đã xây cất Nhà thờ Cái Mơn tại nơi hiện nay.
Nhà thờ Cái Mơn là một trong những Nhà thờ được xây dựng sớm nhất tại Việt Nam. Hai Nhà thờ nổi tiếng bậc nhất đều được xây sau là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây năm 1877, hoàn thành năm 1880 - còn nhà thờ lớn Hà Nội được xây dựng năm 1884 – 1888.
Không đồ sộ về kiến trúc, đường nét cũng chưa thật công phu như các Nhà thờ khác nhưng Nhà thờ Cái Mơn lại rất hài hòa giữa kiến trúc hình khối với thiên nhiên xanh trong màu lá của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ của hoa trái”.
Bên cạnh đó, Nhà thờ Cái Mơn còn là nơi ghi nhận về ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – 1 trong số 18 nhà bác học của thế giới (thế giới thập bát văn hào) với tư cách người học trò nghèo từng vào đây ăn học và thành tài.
Bài: Sưu tầm & biên tập