Linh mục (còn được gọi là Thầy cả trong tiếng Việt cổ) là một chức phẩm của Giáo hội Công giáo Rôma, có quyền thực hiện các lễ nghi trực tiếp cho giáo dân. Chức linh mục gồm có: linh mục triều là các linh mục có giáo tịch tại một giáo phận nào đó dưới quyền một Giám mục (hoặc giám chức), linh mục dòng là các linh mục thành viên của một dòng tu Công giáo, dưới quyền một vị bề trên (Tu viện, Dòng). Tùy theo sự bổ nhiệm của Giám mục hoặc bề trên mà các linh mục có thể đảm nhận các nhiệm vụ như: Quản trị một giáo xứ, làm việc cho các cơ quan của giáo hội hoặc đi truyền giáo.
Theo Giáo Luật Giáo hội Công giáo La Mã quy định linh mục phải sống độc thân và không truyền chức linh mục cho nữ giới.
Để trở thành linh mục, thường là phải tốt nghiệp cử nhân một trường đại học sau đó cần phải theo học một chương trình kéo dài 8 năm bao gồm học thần học trong một chủng viện trong thời gian bốn năm hay hơn ngoài đó còn phải học một năm Tu đức, hai năm Triết học và một năm đi giúp xứ (tức là đến một Nhà thờ giúp các công việc cho cha xứ, cộng đoàn và cũng là thời gian thử thách để quyết định đến việc có thể phù hợp với chức vị linh mục).
Khi một chủng sinh được thụ phong phó tế (thường là một năm trước khi thụ phong linh mục), họ sẽ tuyên thệ vâng lời và kính trọng các Giám mục của giáo phận và những người kế vị. Họ cũng phải thề sống trinh sạch theo luật lệ của giáo hội - bao gồm cả nghĩa vụ sống độc thân. Tuy nhiên, linh mục triều không bị ràng buộc bởi lời khấn dòng nên trên danh nghĩa họ không bắt buộc phải sống nghèo khổ. Vì vậy, linh mục triều có quyền sở hữu tài sản riêng, và được toàn quyền đối với tài sản của mình.
Cha Ferdinand Santos,
người Philippines tốt nghiệp Tiến sỹ ở Bỉ là giám đốc Chủng viện Thánh John Vianney College ở Miami
và đã từng là Giáo sư trường đại học ở Rhode Island - Mỹ
Chức linh mục là chức phẩm cơ bản để được tấn phong lên chức cao hơn là Giám mục (chức Thánh) nhưng linh mục có thể trở thành Hồng y (tước vị).
Quy trình tuyển dụng và đào tạo linh mục là một quá trình dài với nhiều các thử thách theo luật của Bộ Giáo Dục Công Giáo.
Mặc dù, người có trách nhiệm trước nhất và cao nhất trong việc tuyển chọn và đào tạo linh mục là Giám Mục giáo phận. Nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là các cha xứ.
Ứng sinh cũng cần có một cam kết khởi đầu về ý ngay lành và tính trung thực của việc theo đuổi ơn gọi, liên quan đến bối cảnh gia đình “xét như chủng viện đầu tiên”, những điều kiện bên ngoài, những điều kiện tự nhiên và những điều kiện thiêng liêng. Ứng sinh cũng được yêu cầu trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát và trắc nghiệm tâm lý; lãnh vực đời sống tình cảm cũng cần được khảo sát và được chữa lành hầu đạt được sự ổn định cần thiết cho đời sống linh mục mai này; những gánh nặng nội tâm cần được tháo gỡ và giải quyết nhờ sự trợ giúp của vị linh hướng.
Và phải đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Giáo dục Công giáo “trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập chủng viện, cần lưu tâm trước nhất việc đào tạo thiêng liêng”. Đào tạo toàn diện đòi hỏi ứng sinh phải có trưởng thành nhân cách, tri thức và thiêng liêng. Giai đoạn chuẩn bị này nên làm ở một nơi thích hợp ngoài chủng viện để đón nhận, nuôi dưỡng và vung trồng các ơn gọi, nhận định, đánh giá và tuyển chọn các ứng sinh, căn cứ vào đời sống cầu nguyện, thực hành đức tin, sự phát triển nhân cách với các nhân đức như thành thật, trung tín, cam đảm và trách nhiệm, trình độ văn hóa và khả năng tri thức, vì nếu lúc nào cũng phải đối phó với việc học thì việc đào tạo thiêng liêng và toàn diện sẽ bị giới hạn và không hiệu quả, phải quan tâm thái độ của ứng sinh đối với giới tính và khả năng sống độc thân thánh hiến, đồng thời phải xem ứng sinh có ngăn trở Giáo luật nào không?
Vì thế, chủng sinh phải được đào luyện với một trình độ và khả năng tri thức đầy đủ, nền tản thần học kiên vững, tinh thần cầu nguyện, tinh thần khổ chế, đức vâng lời đích thực và trưởng thành, tinh thần sống giản dị theo Phúc Âm và khiết tịnh vì Nước Trời.
Chủng sinh cũng phải học và thực hành những nhân đức nhân bản và xã hội vốn được dân chúng ngưỡng vọng và đức ái đòi hỏi, chẳng hạn: lòng thành thật, ý niệm về đức công bằng, trung thành giữ lời hứa, lịch thiệp và tín cẩn, tinh thần phục vụ và dấn thân, khả năng làm việc chung, có trách nhiệm…
Đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm làm phong phú và nuôi dưỡng đời sống và sứ vụ linh mục. Do đó, các ứng sinh không chỉ học triết học, thần học, các khóa xã hội và nhân văn, nhưng họ cũng cần được các nhà đào tạo giúp biết cầu nguyện và chiêm ngắm ở trong và qua các đòi hỏi kiến thức hàn lâm này.
Trong việc đào tạo thiêng liêng, một công việc vừa nhân loại vừa thần linh, Chúa Thánh Thần luôn giứ vai trò cốt yếu và Đức Giêsu Nadarét là mẫu gương tối cao của mọi nhà đào tạo, vốn là những dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Các tác nhân đào tạo thực tập mục vụ, và nhóm nhỏ các bạn đồng môn. Nhưng tác nhân không thể thay thế được là chính chủng sinh, vì nếu không có tự đào tạo thì việc đào tạo sẽ mất hết hiệu quả mong đợi của nó. Việc lượng giá của chủng viện và tự đánh giá của ứng sinh là bắt buộc và phải đi đôi với nhau trong suốt tiến trình đào tạo và tự đào tạo, đặc biệt là trong thời gian giới thiệu ứng sinh lên chịu chức linh mục.
Sau khi trải qua hết thời gian học tập và đi xứ, nếu người đó không có bất cứ ngăn trở gì thì sẽ được truyền chức linh mục và khi đó, sẽ tuyên khấn (tham khảo) căn bản như dưới đây.
1. Cộng tác với sứ mạng của Giám mục
(Các) con có muốn không ngừng chu toàn nhiệm vụ tư tế ở bậc linh mục như là cộng sự viên tốt của hàng Giám mục trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?
Các Giám mục là những mục tử đứng đầu trong một giáo phận cụ thể. Các linh mục được hiểu là những cộng sự viên, cộng tác trong sứ vụ chăn dắt của các Giám mục.
2. Rao giảng chân lý về đức tin Công giáo
(Các) con có muốn chu toàn một cách xứng đáng và khôn ngoan thừa tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin Công giáo không ?
Các linh mục được trao phó nhiệm vụ rao giảng đức tin Công giáo cho đoàn chiên của mình, truyền lại cho họ gia sản của Tin Mừng.
3. Cử hành phụng vụ một cách đạo đức
(Các) con có muốn cử hành một cách đạo đức và trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa dân Kitô hữu theo truyền thống của Hội thánh, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, và bí tích Hòa giải không ?
Đây là lời hứa tuân giữ các chỉ thị của Giáo hội về Phụng vụ và cử hành chúng với lòng đạo đức và kính tôn.
4. Giữ luật độc thân
Trước sự hiện diện của Thiên Chúa và Hội thánh của Ngài, (các) con có muốn suốt đời giữ quyết tâm nầy làm bằng chứng (các) con đã cống hiến tâm hồn mình cho Chúa Kitô, sống độc thân vì Nước Trời để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại không ?
Lời hứa này được thực hiện khi ngài thụ phong chức Phó tế, nhưng vẫn áp dụng cho đời sống linh mục sau này.
5. Cầu nguyện không ngừng
(Các) con có muốn cùng với chúng tôi không ngừng dựa vào lệnh Chúa truyền phải cầu nguyện mà nài xin lòng thương xót của Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho (các) con không ?
Điều này nhắc nhở các linh mục về lời cam kết cầu nguyện của ngài, lần đầu được đề cập trong ngày lễ thụ phong chức Phó tế, khi đó ngài đã hứa sẽ đọc kinh Phụng vụ hằng ngày.
6. Bắt chước Chúa Giêsu Kitô
(Các) con có muốn ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô Thượng Tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người không ?
Đây là lời hứa quan trọng, thúc giục vị linh mục noi gương Chúa Giêsu Kitô và dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Chúa.
7. Vâng phục Giám mục
Con có hứa kính trọng và vâng phục Cha cùng các Đấng kế vị Cha không ?
Đây là lời hứa cuối cùng mà một linh mục phải thi hành, và nó được thực hiện long trọng hơn những lời hứa khác. Linh mục quỳ gối trước mặt Giám Mục, hai tay đặt trong tay Ngài. Đó lời nhắc nhở cụ thể và cam kết vâng phục Đức Giám mục và những người kế vị ngài.
Bài: Sưu tầm & Biên tập