1. Giáo hoàng : Là cách dịch thuần Tiếng Việt, nội hàm xem giáo hoàng như VUA của Đạo Công Giáo.
Danh xưng của vị lãnh đạo Công Giáo là Papa (tiếng anh: Pope) có nghĩa là CHA, một danh xưng rất gần gũi và thân thương. Ngoài ra còn có một cách gọi khác trong tiếng Latinh : Pontifex maximus dịch sang tiếng Việt có nghĩa là : NGƯỜI XÂY CẦU VĨ ĐẠI. Ý nghĩa của danh xưng này muốn nói rằng, Giáo Hoàng là người xây nên và gìn giữ mỗi liên kết giữa mọi người, giữa các quốc gia, các tôn giáo và giữa con người với Thiên Chúa.
2. Hồng Y : Đây cũng là một danh xưng thuần việt, Hồng là màu đỏ, Y là y phục. Cách gọi này dựa vào phẩm phục chứ không phải dựa vào ngôn ngữ. Trong khi đó, trong tiếng Latinh Cardinal có nghĩa là quan trọng. Tước vị cardinal chỉ xếp dưới giáo hoàng và giữ vai trò nổi bật trong Giáo Hội.
Hồng Y là một tước vị nhưng không phải là một chức Thánh.
3. Giám mục : là một chức Thánh, gốc trong tiếng Hy Lạp là epískopos có nghĩa là người quan sát, canh giữ, bảo vệ. Danh hiệu này được giành cho chức quan lo về tài chánh trong triều đình. Trong khía cạnh tôn giáo Hy Lạp, danh hiệu này có nghĩa là vị thần bảo trợ. Còn trong Công giáo, tước vị này giành cho các đấng kế vị các tông đồ, và các ngài thực sự cũng là người quan sát, canh giữ và bảo vệ các tín hữu trong đức tin.
4. Linh mục : là một chức Thánh, trong tiếng việt danh từ này có nghĩa là người hướng dẫn linh hồn, hướng dẫn thiêng liêng. Tuy nhiên, danh từ Hy Lạp tương ứng là Presbyteros, có nghĩa là bậc trưởng lão, người có tuổi. Trong Do Thái giáo gọi là kỳ mục, đóng vai trò hướng dẫn trong những cộng đoàn nhỏ. Trong Công giáo, chức danh kỳ mục được trao cho các phụ tá của giám mục để cai quản giáo đoàn.
5. Phó tế : cũng là một chức Thánh, trong tiếng Hy Lạp là diákonos có nghĩa là người trợ tá, người giúp việc. Nhiệm vụ ban đầu của các phó tế là giúp các tông đồ lo việc phục vụ cộng đoàn, sau đó là phục vụ các giám mục.
Cơ cấp phẩm trật Giáo Hội với ba cấp bậc: Giám mục, linh mục và phó tế được định hình và áp dụng bởi thánh Ignatius Antiochia (I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a) từ cuối thế kỷ thứ I.
Bài: Sưu tầm & Biên tập