Xưng tội hay giải tội là một trong những Bí tích của người Công giáo. Rất nhiều người tò mò muốn biết “Xưng tội” như thế nào? Và khi nào thì thì đi xưng tội? Xưng tội xong lại mắc tội thì xưng tội có ích gì… Hay người Công giáo hay thật, cứ mắc tội xong đi xưng tội thế là hết tội?
Xưng tội có khác với rửa tội, việc rửa tội chỉ dành cho các cháu bé mới sinh hoặc cho những người lần đầu tiên ra nhập đạo Công giáo. Trong bài này không đề cập đến Bí tích rửa tội nên chúng tôi sẽ đi sâu ngay vào mục tiêu của bài tìm hiểu về xưng tội.
Xưng tội là một trong những ba Bí tích được Chúa Giêsu thiết lập: Bí tích Rửa tội, Bí tích Hôn phối và Bí tích Truyền chức và đều là hồng ân Chúa ban xuống cho con người.
Bí tích hoà giải - Xưng tội là cách Chúa chữa lành cho tâm hồn chúng ta, thể hiện sự tha thứ và tình yêu vĩnh cửu của Ngài cho bất cứ ai trong chúng ta.
Xưng tội không phải là một việc khó khăn hay như là một gánh nặng như nhiều người lo âu, lo lắng. Thật ra, xưng tội rất dễ, rất thoải mái mặc dù về tâm lý, nhất là những tội “khó nói” thì cũng có ít “lấm tấm mồ hôi” lưng đấy. Nhiều người lâu không xưng tội có khi còn sợ, lên gân lên cốt hết lượt này đến lượt khác nhưng cứ đến lượt vào toà giải tội lại “chạy mất dép”.
Bản chất của việc xưng tội là để được tha thứ, chứ không phải là trách mắng hay một án phạt?
Con người là vật phàm nên có ai tránh được tội lỗi? Chúng ta đều là tội nhân, cần phải xét mình và sám hối để lãnh nhận ơn tha thứ. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8).
Chúa Giêsu xuống thế, hiến mạng sống của mình để chuộc tội cho thiên hạ và đó là cách Ngài thể hiện tình yêu tuyệt đối cho tha nhân. Vì vậy, Bí tích Hòa giải Chúa Kitô trao cho chúng ta Bí tích của Ân Sủng và Lòng Tha Thứ vì Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Đó là Tặng phẩm của Lòng Thương Xót chứ không chỉ là nhiệm vụ.
Mặc dù, Ngài đã nói với các Linh mục tiên khởi - các Tông đồ: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20:22). Tha tội ở đây và cầm tội ở đây là sự vâng phục của các Linh mục khi thi hành lệnh truyền này chứ không phải lý trí hay ý chí của linh mục?
Xưng tội đúng là một liều thuốc chữa lành tâm hồn. Xưng tội, có “quy trình, thủ tục” nhưng thực ra không cứng nhắc như nhiều người nghĩ. Toà giải tội, Linh mục không phải quan toà, cũng không phải là người “cầm giữ” quyền tha hay không mà lúc đó, nếu tội nhân thành thật với những gì mình đã làm, đã gây ra và thực sự ăn năn thì Chúa ở đó sẽ đón nhận tất cả những khiếm khuyết, tội lỗi và Ngài sẽ tha thứ, chữa lành những vết sần sùi trong tâm hồn. Sự ăn năn và sự tha thứ bảo toàn tâm hồn chúng ta ở trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sự tha tội truyền ân sủng vào tâm hồn chúng ta và “phê chuẩn” sự sám hối của chúng ta.
Giáo dân ngại hay sợ đi xưng tội cũng có lý do vì nhiều khi các Linh mục cũng “hù dọa” thế này, thế kia nên mỗi lần về trong tâm trạng họ bị đè nặng, day dứt. Giáo dân đi xưng tội cũng vì lo lắng quá nên mỗi lần đi xưng tội cứ như phải đi gặp quan toà, chuẩn bị bài vở thành ra việc xưng tội trở nên “khó khăn” chứ không còn giống như một bệnh nhân đến gặp bác sỹ để chữa trị nữa?
Xưng tội và giải tội mà một Bí tích, mầu nhiệm của Chúa mang đến để chữa lành cho những vật phàm hèn mà Chúa thương xót đến tận cùng.
Khi xưng tội và rước lễ, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể và đó là một vinh dự, niềm vui sướng để cho tâm hồn chúng ta luôn đón nhận Ân sủng và hồng ân Chúa ban cho mỗi khi ta ngước lên cầu nguyện với Chúa.
ĐGH Gioan-Phaolô II xưng tội hằng ngày, ngài nói: “Theo ơn gọi mà con người nhận từ Thiên Chúa, tìm sự thánh thiện sẽ là ảo tưởng nếu không thường xuyên tham dự Bí tích Hòa giải. Những người thường xuyên xưng tội với ước muốn tiến bộ sẽ thấy những bước dài trong đời sống tâm linh”.
Xin chia sẻ một câu chuyện về việc Chúa đã tha tội cho hối nhân như thế nào.
Pho tượng đặc biệt
Tại một nhà thờ ở Tây Ban Nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.
Chuyện kể rằng, một lần, tại Nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó. Ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị Linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội này cho anh”.
Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị Linh mục nói dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa, tôi không tha!” Thật lạ lùng thay. Ngay lập tức, vị Linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên đầu mình. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị Linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.
Kể từ đó, bàn tay phải của tượng Chúa Giêsu chịu nạn không gắn vào Thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.
Bài: Sưu tầm & Biên tập