Các Dòng đan tu (đan sĩ chiêm niệm) đã có mặt ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 sau khi giáo hội đã được hình thành.
Bắt đầu là các chị dòng Cát Minh của đan viện nổi tiếng Lisieux sang lập dòng tại Sài Gòn, sau đó là sáng kiến của một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, cha Denis Thuận, lập một Dòng Khổ Tu Chiêm Niệm tại Phước Sơn Quảng Trị năm 1918. Sau này Phước Sơn nhập vào Tổng Dòng Xitô. Dòng Xitô Lérins tại Pháp lập Đan viện Mỹ Ca tại Giáo Phận Nha Trang năm 1934. Linh mục Pierre Qui Vire lập đan viện Biển Đức tại Đa Lạt năm 1936, sau này dời về Thiên An Huế. Tiếp đến các nữ tu Clarisses cũng lần lượt vào Việt Nam.
Dưới đây là những dòng tu chiêm niệm thứ tự theo mốc thời gian Dòng vào Việt Nam.
DÒNG KÍN CARMEL (Ordre des Carmélites Dé chaussées: OCD)
Đời sống đan sĩ Cát Minh có nguồn gốc từ thời cựu ước xa xưa và nhận ngôn sứ Elia (854 trước công nguyên) làm tổ phụ. Từ thế kỷ XIII, dòng đi vào lịch sử với một nhóm ẩn sĩ đã xin Thánh Albert, Thượng phụ Jerusalem, soạn cho một bản luật và được Đức Giáo hoàng Innocent IV phê chuẩn năm 1247. Thế kỷ XV, Chân phước Joan Soreth đã thành lập dòng nữ Cát Minh. Vì hoàn cảnh dịch tễ, tiếp đến chiến tranh, đói kém tại Châu Âu năm 1437, sức khỏe con người suy yếu nên luật dòng được giảm chế. Thánh Tê-rê-xa Avila, cùng với sự cộng tác của Thánh Gio-an Thánh Giá, muốn lấy lại luật nguyên thủy, đã thành lập Đan viện Cát Minh cải tổ đầu tiên tại thành Avila ngày 24-8-1562.
Năm 1585, nhóm cải tổ đã tách ra thành tỉnh dòng tự trị với tên gọi Ordre des Carmélites Déchaussées (OCD), cũng gọi là Cát Minh đi chân không (đi xăng đan) hay Cát Minh Tê-rê-xa, để phân biệt với dòng Cát Minh giảm chế hoặc Cát Minh lớn (OC)
Năm 1861, theo lời yêu cầu của Đức cha Dominique Lefèbvre, Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong, đan viện Lisieux đã cử nữ tu Philomène de l’Immaculée Conception sang lập đan viện Cát Minh Sài Gòn. Đây là dòng Cát Minh đầu tiên ở Việt Nam.
DÒNG XITÔ
Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam phát xuất từ Đan viện Phước Sơn, do cha Henri Denis (tên dòng của cha là Benoỵt Thuận), ngài là một linh mục thuộc dòng thừa sai Paris. Sau khi đươc lãnh chức linh mục ngài đã nhận được bài sai ghi địa chỉ: Giáo phận Huế, nước Việt Nam. Vì thế ngài đã xuống tàu và đến Việt Nam ngày 31 tháng 5 năm 1903.
Ngày 31 tháng 1 năm 1912, ngài đã trình lên Đức Cha giáo phận Huế lời thỉnh nguyện tha thiết được thử nghiệm lập một dòng chiêm niệm cho phái nam tại giáo phận Huế. Sau sáu năm chờ đợi lời thỉnh nguyện ấy đã được chấp thuận.
Ngày 3 tháng 7 năm 1918, cha Henri Denis cùng với Đức cha Allys và cha Tổng đại diện giáo phận Huế đã lên núi Phước Sơn tìm đất lập dòng. Các ngài đã chọn vùng đất của cụ Thượng thư bộ lại Nguyễn Hữu Bài trên ngọn đồi Phước Sơn để lập dòng.
Ngày 14 tháng 8 năm 1918, cha Benoit cùng người môn đệ đầu tiên dọn đồ đạc lên Phước Sơn để cùng nhau thành lập một tu viện.
Ngày 12 tháng 10 năm 1933 Tổng Công Nghị toàn Xi-tô căn đã chấp thuận cho cộng đoàn Phước Sơn gia nhập Xi-tô và trực thuộc Viện Phụ Tổng Quyền.
Ngày 24 tháng 5 năm 1934 Thánh bộ tu sĩ chính thức chấp thuận cho Phước Sơn sát nhập vào dòng Xi-tô thế giới.
Ngày 21 tháng 3 năm 1935 toàn thể cộng đoàn Phước Sơn khấn Xi-tô.
HỘI DÒNG XI-TÔ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM
Ngày 08 tháng 01 năm 1931, Viện phụ đan viện Lérins, Marie-André Drillon xuống tàu tạ cảng Marseille vượt biển qua Việt Nam thăm dòng Phước Sơn (Quảng Trị) và tìm đất lập dòng: Ngài để ý nhiều nhất đến hai địa điểm Sapa và Đà Lạt.
Tháng 10 năm 1932, Viện phụ Lérins quyết định lập dòng tại Việt Nam và chỉ định ba cha: Placide Berthéas, bề trên; Charles Fettweis, quản lý và Eugène Paulin, tập sư.
Ngày 31 tháng 1 năm 1933, cộng đoàn Lérins tiễn ba đấng sáng lập rời đan viện lên đường đi Marseille.
Ngày 10 tháng 2 năm 1933, Các ngài xuống tàu AMARIS và ngày 7 tháng 3 năm 1933 cập bến Sài Gòn. Từ ngày 14 tháng 3 năm 1933 đến ngày 27 tháng 2 năm 1934, các ngài tìm địa điểm trên vùng Đà Lạt.
Ngày 27 tháng 2 năm 1934, cha Paulin (được chỉ định làm bề trên thay cha Placide) và cha Charles đến Ba Ngòi. Từ đây các ngài được cha Le Daré và Marcel Piquet (sau này là Giám mục Giáo phận Nha Trang) giới thiệu đi tìm đất tại các vùng Cà Ná, Tháp Chàm. Cuối cùng cha Marce Piquet hướng dẫn các ngài đến vùng Mỹ Ca trên bán đảo Cam Ranh.
Ngày 21 tháng 3 năm 1934, Lễ thánh Biển Đức, Đức Giám mục Quy Nhơn (lúc đó Nha Trang đang thuộc Giáo phận Quy Nhơn) và Viện phụ Lérins ấn định lập dòng tại Mỹ Ca, khởi công xây dựng đan viện.
Ngày 8 tháng 4 năm 1936, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin qua văn thư N0 1266/36, chuẩn nhận công cuộc lập Đan Viện Mỹ Ca với danh hiệu: Đan Viện Xi-tô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca.
DÒNG BIỂN ĐỨC
Năm 1932 Đan phụ Dom Fulbert Gloriès (Dòng Biển Đức - Pháp) nhận được thư của Giám mục Ramond, Giáo phận Hưng Hóa và của Giám mục Chabanon, giáo phận Huế. Yêu cầu La Pierre Qui Vivre đến lập dòng tại Giáo phận của mình… Sau khi quyết đinh ngài đã phái cha Wandrille Carrière sang Việt Nam thăm dò để thành lập đan viện.
Ngày 25 tháng 09 năm 1936, các cha Maur Massé, Wandrille và Corentin khởi hành từ Marseille sang Việt Nam và chọn vùng Đà Lạt để lập đan viện, nhưng vì nơi đây hiếm ơn gọi nên ngày 10 tháng 06 năm 1940, hai đan sĩ Đan viện La Pierre Qui Vivre là cha Dom Romain Guillaume và cha Corentin đã đến Huế và thành lập Đan viện Thiên An.
Ngày 23 tháng 10 năm 1943, đan viện làm phép và khánh thành nhà nguyện và ngôi nhà ở tọa lạc tại thôn Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Số ơn gọi tăng dần đến nỗi sau đó các đan sĩ Thiên An tiếp tục thành lập thêm ba đan viện nữa.
DÒNG KÍN CLARA (O.S.F.: Order of Saint Clare)
Do Thánh Phanxicô và thánh Clara thành lập thế kỷ XIII tại Assisi, Ý.
Năm 1935, 8 chị người Pháp thuộc đan viện Roubaix (Pháp) đến lập dòng tại Việt Nam, trong Giáo phận Vinh. Năm 1950, vì chiến tranh các chị đã phải trở về Pháp.
Năm 1972, bốn chị người Việt và một chị người Pháp tái lập dòng tại Thủ Đức.
Bài: Sưu tầm & biên tập