Thánh Phanxicô thành Assisi đã xây dựng Nhà thờ kính tước hiệu Đức Mẹ là Nữ vương các Thiên thần tại Portiuncula, nước Italia. Khi thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn, Thánh Phanxicô đã để ngôi Nhà thờ này trở nên nhà mẹ của hội dòng và Nguyện đường Đức Mẹ các thiên thần ở Portiuncula được cung hiến vào ngày 2 tháng 8.
Và để ghi dấu ấn, Thánh Phanxicô đã thỉnh cầu lên Đức Giáo hoàng Honorius III (triều đại những năm 1216 – 1227) và đã được Đức Giáo hoàng ban cho đặc ân: Tín hữu nào thành tâm thống hối, đến kính viếng nhà nguyện dòng Anh em Hèn mọn Phanxicô tại Portiuncula này thì được ơn đại xá. Và người ta hay gọi theo cách dân gian là: Ơn toàn xá “Portiuncula”.
Ngày 15/5/1892, đặc ân “Portiuncula” đã được Đức Giáo hoàng Leo XIII (triều đại những năm 1878 – 1903) phổ biến rộng rãi tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá với các điều kiện thông thường, kể cả nhường cho các tín hữu đã qua đời, bằng cách thăm viếng một Nhà thờ giáo xứ hay một nhà nguyện do các tu sĩ dòng Phanxicô trông coi.
Ơn đại xá này ban một năm một lần vào ngày kỷ niệm cung hiến nguyện đường Đức Mẹ các Thiên thần ở Portiuncula, tức là ngày 2 tháng 8 mỗi năm. Về sau ơn này được mở rộng trên khắp thế giới.
Vì thế, từ trưa ngày 1tháng 8 cho đến hết ngày 2 tháng 8, tín hữu đến viếng Nhà thờ giáo xứ, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, thì được hưởng một ơn đại xá “Portiuncula”, với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.
Và đã có lần Nguyên Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã trả lời cho khách hành hương và Giáo dân tại Rôma về Ơn Đại Xá Portiuncula trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 02/08/2009 như sau:
“Hôm nay chúng ta chiêm ngắm nơi Thánh Phanxicô thành Assisi tình yêu thương nồng cháy đối với ơn cứu rỗi của các linh hồn, mà mỗi linh mục phải luôn luôn nuôi dưỡng”.
Ơn Toàn xá này là do Thánh Phanxicô đã xin Đức Giáo Hoàng Onorio III hồi năm 1216 ban cho các tín hữu. Lý do để xin ơn này là do sau một thị kiến, trong đó Thánh nhân thấy mình đang cầu nguyện trong ngôi Nhà thờ nhỏ Porziuncola. Và trong thị kiến đó, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nhân trong vinh quang, bên phải có Trinh Nữ Maria và nhiều Thiên Thần. Chúa xin Thánh nhân bày tỏ một nguyện ước và Thánh Phanxicô đã khẩn nài Chúa ban “ơn tha thứ rộng rãi và quảng đại” cho tất cả những ai đã thống hối xưng tội và đến cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện nhỏ này.
Được Đức Giáo Hoàng Onorio III chấp thuận, thánh Phanxicô không đợi có tài liệu viết nào, mà chạy ngay về Assisi và đến nhà nguyện Porziuncola báo tin vui cho dân chúng. Ngài nói: ‘Hỡi anh chị em, tôi muốn gửi tất cả mọi người lên Thiên Đàng!’.
Và sau đó ngày 15 tháng 5 năm 1892, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã phổ biến rộng rãi ban đặc ân ‘Portiuncula’ (ơn đại xá cho ai viếng Nhà thờ) trong lễ này.
Kể từ đó, từ giữa trưa ngày mùng 1 cho đến nửa đêm ngày mùng 2 tháng 8 hàng năm, tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá với các điều kiện thông thường, kể cả cho các tín hữu đã qua đời, bằng cách thăm viếng một Nhà thờ Giáo xứ hay một Nhà thờ do các tu sĩ Phanxicô trông coi.”.
Nhà thờ kính tước hiệu Đức Mẹ là Nữ vương các Thiên thần
Vương cung Thánh đường Đức Mẹ là Nữ vương các Thiên thần nằm ở vùng đồng bằng dưới chân đồi Assisi. Bề ngoài trông đơn sơ nhưng bên trong rất rộng cùng với nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều bức tượng tranh ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp.
Trong lòng Nhà thờ có “The Portiuncola”, nơi đây được coi như là nhà mẹ đầu tiên, nơi Thánh Phanxicô lập dòng Anh em hèn mọn.
Ngôi Nhà thờ nhỏ từ thế kỷ thứ 9 là Porziuncola, nơi linh Thánh nhất đối với các tu sĩ Phanxicô. Đây là nơi Thánh Phanxicô thời thanh niên tìm hiểu ơn gọi rồi từ bỏ thế gian để sống nghèo khó giữa những người nghèo và bắt đầu phong trào Phan Sinh.
Sau khi Thánh nhân về với Chúa năm 1226, các tu sĩ xây dựng những túp lều nhỏ chung quanh Porziuncola. Năm 1230, một phòng ăn và một số tòa nhà kế cận được thêm vào. Theo dòng thời gian, những mái cổng nhỏ và những phòng ở của các tu sĩ được thêm vào chung quanh Porziuncola. Từ năm 1967 và 1969, trong khi khai quật, người ta đã phát hiện một số cơ sở dưới nền của ngôi Vương cung Thánh đường hiện tại.
Khi khách hành hương đến Assisi ngày càng đông để lãnh nhận “ân xá Assisi”, không gian nhỏ bé của Porziuncola đã không còn đủ sức chứa. Nhu cầu là cần phải xây dựng một ngôi Nhà thờ mới kết hợp với Porziuncola. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô V (1566-1572), các tòa nhà chung quanh đền Thánh bị tháo gỡ, trừ nguyện đường Transito và căn phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời.
Ngày 25 tháng 3 năm 1569, khởi công Vương cung Thánh đường này được xây dựng theo phong cách Mannerist đến 1679 mới hoàn thành.
Phong cách Mannerist, tiền thân của phong cách Baroque. Hai kiến trúc sư nổi tiếng là Galeazzo Alessi và Vignola thiết kế. Công trình xây dựng tiến triển chậm chạp do thiếu tiền liên tục vì chỉ nhờ vào sự đóng góp địa phương. Mái vòm nằm trên cái trống hình bát giác với tám cửa sổ và những đường gờ trang trí chạy chung quanh, được hoàn thành năm 1667. Công trình xây dựng cuối cùng đã được hoàn thành vào năm 1679. Đến năm 1684, một tháp chuông đã được thêm vào. Ban đầu dự định có một tháp đôi, nhưng tháp thứ hai không được xây dựng.
Ngày 15 tháng 3 năm 1832, động đất đã phá hủy một phần Nhà thờ. Đến năm 1836 tái thiết lại dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Luigi Poletti. Công trình hoàn thành vào năm 1840. Ông sửa lại mặt tiền theo phong cách tân cổ điển . Khoảng năm 1924 – 1930, Cesare Bazzani đã đưa mặt tiền Thánh đường trở lại phong cách Baroque ban đầu. Điêu khắc gia Colasanti đã tạc bức tượng mạ vàng Madonna degli Angeli và đặt trên đỉnh đầu của mặt tiền Nhà thờ vào năm 1930.
Ngày 11 Tháng 4 năm 1909, Nhà thờ đã được Đức Giáo Hoàng Piô X nâng lên hàng “Vương Cung Thánh Đường thượng phụ và là nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng”.
Nhà thờ với chiều dài 126 mét dài, 65 mét rộng và mái vòm cao 75 mét.
Bên trong Thánh đường có gian giữa và lối đi hai bên với 10 nhà nguyện. Porziuncola nằm dưới mái vòm.
Nội thất Nhà thờ đơn giản nhưng thanh lịch với ít đồ trang trí, hoàn toàn trái ngược lối trang trí các nhà nguyện phụ. Gian giữa và các lối đi được xây dựng lại theo phong cách Doric tân cổ điển do Luigi Poletti thực hiện. Phần bán nguyện phía sau cung Thánh là chỗ ca đoàn được làm bằng gỗ vào năm 1689 và được các tu sĩ Phanxicô tạc hình Nhà thờ Chính tòa và bàn thờ Giáo hoàng. Nhà nguyện của Transito có phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời, vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.
Các nghệ sĩ lừng danh đã trang trí các nhà nguyện hai bên vào nhiều thời kỳ khác nhau. Antonio Circignani đã họa các bức tranh trong Nhà nguyện Thánh Anna (1602-1603). Francesco Appiani trang trí hai Nhà nguyện Thánh Antôn và Thánh Phêrô bị xiềng (1756-1760). Ventura Salimbeni trang trí Nhà nguyện Loại trừ Chúa (1602).
Bài: Sưu tầm & Biên tập