Lễ Lá (hay còn gọi là Chủ Nhật Lễ Lá, tên tiếng Anh là Palm Sunday) là ngày kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi chịu khổ hình và chịu chết. Ngày Lễ Lá thường rơi vào Chủ Nhật trước lễ Phục sinh khoảng 1 tuần. Theo Giáo hội Tây phương thì ngày lễ này phải luôn rơi vào một trong số 35 ngày giữa 15 tháng 3 và 18 tháng 4. Lễ này khởi động Tuần Thánh, tuần cuối cùng của Mùa Chay.
Lễ này kỷ niệm một sự kiện được viết trong bốn sách Phúc âm quy điển (Máccô 11: 1-11, Matthêu 21: 1-11; Luca 19: 28-44; và Gioan 12: 12-19) – kể về việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem những ngày trước khi chịu khổ hình.
Theo kinh Thánh Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cưỡi một con lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Khi đó những người đón mừng đã đặt áo choàng cùng những cành lá cọ trước mặt Chúa và đồng thanh hát “…Phúc thay là đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúng tôi ban phước cho bạn từ nhà của Chúa…”
Theo như truyền thống của người Do Thái, lá cọ là một trong bốn loại thực vật tượng trưng cho niềm vui. Còn biểu tượng con lừa theo truyền thống phương Đông chính là con vật tượng trưng cho hòa bình, so với ngựa là con vật tượng trưng cho chiến tranh. Khi một vị vua cưỡi ngựa đi chiến đấu có nghĩa là ông đang muốn chiến tranh, còn nếu vua cưỡi lừa thì tức là ông đến trong hòa bình… Theo đó, việc Chúa Giêsu cưỡi lừa tới thành Giê-ru-sa-lem trở thành biểu tượng của hòa bình, không phải một vị vua ưa chiến tranh.
Theo truyền thống thì việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem sẽ được cử hành bằng cuộc rước trọng thể. Đầu tiên, vị chủ tế sẽ làm phép lá trước, sau đó mọi người sẽ được phân phát những cành lá này. Tiếp theo, cộng đoàn cùng nhau rước kiệu diễu hành với lá cọ trên tay, điều này đại diện cho sự chào mừng Chúa Giêsu khi ông vào thành Giê-ru-sa-lem.
Trong ngày lễ này, người ta thường dùng lá cọ để thực hiện các nghi lễ. Tuy nhiên, ở các vùng miền khác nhau có thể không có lá cọ hoặc khó tìm được nên mọi người thường thay thế bằng những cành cây thủy tùng, cây liễu… Ở Việt Nam, đa số các Nhà thờ đều sử dụng lá cọ hoặc dừa.
Sau khi được phân phát, những cành lá này sẽ được giữ lại trong nhà để thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu. Khi cành lá khô héo thì mọi người có thể đem đến cho các cha xứ để đốt thành tro bôi trên trán (trên đầu) cho ngày thứ Tư Lễ tro vào năm tiếp theo.
Ngoài Công giáo Rôma, nghi lễ này cũng được thực hành trong nhiều giáo phái Kitô giáo, như Giáo hội Luther, Phong trào Giám lý, Truyền thống Cải cách, Giáo hội Trưởng lão, và Anh giáo.
Bài: Sưu tầm & Biên tập