Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp kết hợp với một biểu tượng nghệ thuật Byzantine (Đông La Mã) nổi tiếng cùng tên đã được thấy tại Roma từ năm 1499, được truyền tụng là làm nhiều phép lạ và hiện đang được đặt trong nhà thờ Sant'Alfonso di Liguori all'Esquilino (đền thờ Thánh Alphonsô trên đồi Esquilino). Trong Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương hình tượng này được gọi là Đức Trinh Nữ Sầu Đau (Virgin of the Passion hay là Theotokos of the Passion).
Truyền thuyết phổ biến cho rằng biểu tượng là một bản sao thật của một bức tranh mà theo truyền thuyết đã được vẽ bởi Thánh sử Luca sử dụng khay thức ăn của Gia đình Thánh ở Nazareth, và trong truyền thống Chính thống giáo Đông phương thường được xác định với biểu tượng Hodegetria và coi đó là một dấu ấn kỳ diệu của Đức Trinh nữ Maria cả trong cộng đồng Giáo hội Latinh và Chính thống giáo. Niềm tin này là phổ biến trong nhiều biểu tượng Hodegetria có những tuyên bố tương tự về truyền thuyết Luca.
Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc trường phái Crete. Linh ảnh được vẽ trên tâm gỗ có chiều dài là 51,8cm và chiều rộng là 41,8cm. Đây không chỉ là một bức hình, nhưng biểu trưng cho một khung cảnh trong đó bốn nhân vật được mô tả. Ở góc phải của bức hình là Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel (được đánh dấu bởi biểu tượng (OAΓ) là Đấng đã đến truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa, nay đến là để loan báo cuộc thương khó với thập giá và đinh nhọn, màu áo đỏ mà Tổng Lãnh Thiên Thần mặc là màu của lòng mến nhưng cũng là màu biểu trưng cuộc thương khó. Góc bên trái là Tổng Lãnh Thiên Thần Michael (OAM) đang mang đến những dụng hình của cuộc thương khó cứu độ của Chúa Kitô (lưỡi đòng và bọt biển ở đầu cây gậy có thấm dấm chua) và màu áo xanh của Tổng Lãnh Thiên Thần biểu trưng cho nhân tính.
Hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria chiếm phần lớn bức linh ảnh với những chữ ghi chú MP– ΘΥ, có nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Những phối màu vẽ chân dung Đức Mẹ phản ánh tất cả khoa thần học về Đức Maria và một sự gởi mở cho những tín điều về Đức Trinh Nữ. Với mái tóc của Mẹ được che kín hoàn toàn, điều đó gợi nhắc rằng nơi Mẹ hoàn toàn không có bất cứ một sự dung tục, phù phiếm nào. Chiếc khăn màu xanh phủ kín đầu là biểu trưng cho sự trinh khiết của Mẹ. Màu áo đỏ phía trong áo choàng biểu trưng cho tình yêu mẫu tử: Đức Maria vừa là trinh nữ vừa là mẹ. Chiếc áo choàng màu xanh mà Mẹ mặc gợi nhắc đến điều Mẹ đã thưa lên trong kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Người đoái thương nhìn đến tôi tớ của Người.” Với tiếng xin vâng, Đức Maria đã chấp nhận trở nên khí cụ trong bàn tay Đấng Tối Cao. Mẹ đã chấp nhận để cho ân sủng Chúa bao bọc và Thánh Thần rợp bóng trên Mẹ và chính Thánh Thần đã làm cho người nữ tỳ hèn mọn trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của mọi người chúng ta và là Nữ Vương các Thánh thiên thần.
Nơi hình ảnh Hài Nhi Giêsu, ta bắt gặp một tổng hợp về Kitô học. Phía đầu bên phải của Ngài có những ký tự IC – XC (Giêsu Kitô). Đức Giêsu là nhân vật duy nhất trong bức linh ảnh xuất hiện toàn thân mình. Chiếc áo màu xanh Ngài mặc biểu trưng cho mầu nhiệm Nhập Thể làm người của Ngài, trong khi đó chiếc áo choàng màu vàng biểu trưng cho thần tính của Ngài: Đức Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Chiếc đai lưng màu đỏ biểu trưng cho tình yêu như Ngài đã truyền dạy chúng ta trong bữa Tiệc Ly và chính Ngài đã biểu lộ tình yêu ấy qua trọn vẹn cuộc sống và sự chết của Ngài như được nhắc đến trong giờ phút trước khi Ngài bước vào cuộc thương khó: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Sự phong phú của các biểu tượng trong bức linh ảnh gợi nhắc cho ta những danh xưng của Đức Mẹ mà chúng ta có thể kều cầu: Mẹ Sầu Bi, Cửa Đền Vàng, Đấng chỉ bảo đàng lành, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ của Ơn Cứu Chuộc. Với các nhân vật xuất hiện trong ảnh, có thể xếp bức linh ảnh này chung với bức ảnh nói về Đức Mẹ Sầu Bi. Nhưng về thần học bức linh ảnh biểu trưng cho toàn bộ mầu nhiệm cứu độ.
Sứ điệp về niềm hy vọng chất chứa trong bức linh ảnh được truyền tải qua tư thế của Chúa Hài Nhi Giêsu. Chi tiết khó hiểu là hình ảnh chiếc dép sắp rơi ra khỏi chân của Chúa Giêsu. Não trạng cổ đại ngày xưa thì nói đến dấu chân trần biểu lộ sự riêng biệt của một cá nhân. Vì thế, hình ảnh này có thể hiểu rằng bàn chân trần của Chúa biểu lộ bản tính nhân loại của Ngài. Hơn nữa, theo phong tục xưa kia, khi có giao kèo với nhau, người ta thường rút chiếc dẹp trao cho nhau để làm tin (R 4, 7; Tv 60, 10; Lc 3, 16). Điều này có nghĩa là Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, đã mặc lấy xác phàm để cứu độ chúng ta, đã tái thiết lập giao ước vốn đã bị phá hủy do sự bất phục tùng của tội (Kinh Tiền Tụng VII mùa thường niên). Bồng ẵm trẻ Giêsu, Đức Mẹ dường như đang che chở cho Ngài, trao ban Ngài cho chúng ta và chỉ cho chúng ta hướng về Ngài. Ngước mắt nhìn thấy dấu chỉ về cuộc thương khó, Hài Nhi Giêsu tựa vào cung lòng Đức Mẹ, cầm lấy tay Mẹ và trong một chuyển động đột ngột, Ngài làm tuột quai dép. Thực tế, chúng ta đã được lưu ý rằng trong linh ảnh, ý nghĩa tâm lý chỉ có tính cách tương đối; tốt hơn hết là cần phải hiểu chi tiết này dựa theo ánh mắt của Chúa Giêsu.
Bởi vì hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria chiếm phần lớn bức hình, nên điểm chính giữa của bức linh ảnh là sự đan xen giữa bàn tay của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Ngắm nhìn khuôn mặt của hai đấng, chúng ta có thể suy nghĩ đến sự đóng góp của các ngài trong công trình cứu chuộc. Như thế, Chúa Giêsu không có vẻ gì là chợt thấy những dụng hình thương khó, nhưng Ngài nhìn thấy chúng như đang được long trọng mang đến cho Ngài, như một cuộc cung nghinh khải hoàn thật sự. Ngài nhìn ra bên ngoài khỏi khung cảnh của bức hình và ánh mắt của Ngài rất chăm chú, thu hút. Ánh mắt của Ngài thực sự là đang hướng về Chúa Cha, Đấng đang ngự trên trời. Cũng thế, Đức Maria cũng đang dùng bàn tay phải để chỉ hướng về Chúa Cha, Đấng đang dõi theo Đức Giêsu, Con của Ngài; và chính Đức Maria cũng đang trao ban cho chúng ta Đức Giêsu và chỉ cho chúng ta cách thế để được cứu độ trọn vẹn.
Niềm tin rằng, bàn tay này thực sự là bàn tay đang đoái đến thân phận nhân loại chúng ta … Và đồng thời Chúa Giêsu cũng đang chúc lành và cầm giữ bàn tay của Mẹ thật chặt như thể đang chỉnh hướng bàn tay ấy lên trời và đưa ra cho ta một sự đảm bảo chắc chắn rằng nếu chúng ta có phải đi qua thung lũng thương đau thì chúng ta cũng không phải đi một mình: “tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139, 10) và tất cả điều đó diễn ra dưới ánh mắt đầy tình từ mẫu của Đức Maria. Người mẹ đã sinh ra Chúa và không ngừng trao ban Chúa cho chúng ta đang chăm chú dõi nhìn chúng ta. Người mẹ đã từng đứng dưới chân Thập giá đã nếm trải khổ đau và được Chúa gửi gắm cả nhân loại mỏng giòn yếu đuối, người mẹ đáng yêu mến ấy luôn luôn muốn trợ giúp chúng ta. Như được thể hiện trong bức linh ảnh, ánh mắt của Mẹ biểu lộ sự êm ái, bàn tay của Mẹ đầy uy quyền đảm bảo sự cứu giúp luôn luôn của Mẹ và hình nền màu vàng làm chứng cho những điều ấy. Nếu chúng ta đến với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng cứu ta khỏi mọi sự dữ bằng thập giá vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta để cho Mẹ dẫn dắt chúng ta như Mẹ đã để Chúa Thánh Thần hướng dẫn Mẹ, thì chúng ta có thể vượt qua được mọi đau khổ để đạt tới niềm vui và vinh quang trong vòng tay của Thiên Chúa Cha. Toàn vẹn bức linh ảnh nói với chúng ta về sự trìu mến, về lòng xót thương. Không dừng lại ở sự thương khó, khổ đau, nhưng bức linh ảnh nói về niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ.
Bức ảnh này đã được hai giáo hoàng vinh danh, từ Giáo hoàng Piô IX đã giao phó biểu tượng cho Dòng Chúa Cứu Thế trong tháng 12 năm 1865 “Hãy làm cho thế giới biết Mẹ.” Với lời nhắn nhủ này, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã trao cho cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế Nicholas Mauron (1888 – 1893) bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để Hội Dòng quảng quá rộng rãi lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Việc trao phó này diễn ra vào ngày 11 tháng 12 năm 1865 tại nhà thờ thánh Anphongsô tọa lạc trên đường Merulana, Rôma.
Từ đó các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đã phổ biến biểu tượng này, các hình ảnh đã trở thành rất phổ biến, đặc biệt trong số các tín hữu Công giáo Rôma, và đã được rất nhiều người sao chép và sử dụng lại. Những hình tái tạo hiện đại đôi khi được treo trong nhà, cơ sở kinh doanh, và các phương tiện giao thông công cộng. Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế là công đoàn duy nhất được Tòa Thánh ủy thác để bảo vệ và truyền bá nghệ thuật của biểu tượng và lòng sùng kính này.
Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã trao một biểu tượng cho một giáo sĩ Hồi giáo vào tháng 5 năm 2001 trong thời gian Giáo hoàng viếng thăm đền thờ Hồi giáo Umayyad lần đầu tiên.Dưới thời của Giáo hoàng Piô XII, hình ảnh được chỉ định là người bảo trợ quốc gia của Cộng hòa Haiti và Almoradi, Tây Ban Nha. Ngoài ra, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành một lễ gia miện kinh điển cho một hình ảnh tương tự ở Jaworzno, Ba Lan vào ngày 16 tháng 6 năm 1999.
Năm 1925, khi các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Canada đến Việt Nam, các vị này đã phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp những nơi các ngài phụ trách giảng dạy và những nơi có Cộng đoàn của Nhà Dòng.
Lễ kính viếng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được tổ chức hằng năm vào ngày 27 tháng 6. Hàng tuần, vào ngày thứ Tư, có dâng lời cầu nguyện.
Bài: Sưu tầm & biên soạn