“Công giáo hòa nhập” là một trong những sắc chỉ của Tòa thánh Vatican từ rất lâu. Đây là một trong những “tín điều” quan trọng để công việc truyền giáo được phổ quát.
Ngay từ thế kỷ thứ 16, ngay khi du nhập vào Việt Nam các linh mục người châu Âu đã cố gắng để hòa nhập vào đời sống của các vùng họ đặt chân tới ở Việt Nam.
Họ tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh để “Công giáo hóa” theo văn hóa bản địa. Bắt đầu bằng tiếng nói và chữ viết từ chữ Nôm được latinh hóa đến các tập tục, xây dựng Nhà thờ có kiến trúc phương Tây nhưng trộn lẫn với nhiều nét của tín ngưỡng người Việt.
Tết đối với người Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Vì thế, các phong tục được xem xét kỹ để những người Công giáo thực hành đức tin của mình nhưng vẫn giữ được tập tục, văn hóa và thuần phong mỹ tục.
Thực tế, người Công giáo đón Tết Nguyên Đán rất thuần Việt, chỉ có một số tập tục truyền thống như cúng ông Công, ông Táo... thì không có trong niềm tin và việc cúng giao thừa, làm mâm cỗ cúng mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu được người Công giáo thực hành bằng cách cùng nhau cầu nguyện hay đến Nhà thờ dâng lễ chung cho ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên. Tuy nhiên, việc làm mâm cỗ hay đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ của người Công giáo cũng không sai với tín lý nhưng với ý nghĩa như trang hoàng thêm cho bàn thờ.
Đêm 30 các gia đình Công giáo, nếu có điều kiện đi đến dự lễ ở Nhà thờ còn không, họ sẽ hiệp ý chung đọc kinh cầu nguyện ở nhà. Các ngày lễ quan trọng ba ngày Tết là ngày mùng một Tết: Cầu bình an cho Năm mới, ngày mùng hai Tết: Kính nhớ Tổ Tiên, ông bà cha mẹvà ngày mùng ba Tết: Thánh hóa công việc làm ăn. Trong các ngày này, người Công giáo vẫn tuân giữ nề nếp từ ông cha để lại như tục “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”.
Người Công giáo không xem bói hay đoán số… nhưng thay vào tục hái lộc đầu xuân truyền thống thì trong Thánh lễ ngày mùng một Tết tại các Nhà thờ đều chuẩn bị sẵn các bao lì xì rất đẹp, trong đó in các câu trích dẫn trong Kinh Thánh. Ai bốc được câu nào sẽ suy ngẫm và tin rằng, đó chính là lời Chúa muốn gửi riêng cho từng người và cho gia đình trong năm mới.
Cũng có linh mục còn kèm theo phong bì “lời Chúa” một phong bì một đồng tiền mới mùng tuổi cho giáo dân.
Cỗ đầu năm của người Công giáo thì không có gì khác với cỗ Tết truyền thống, bày biện thịnh soạn với bánh chưng, dưa hành… và có cả câu đối.
Sau khi con cháu xum họp đến chúc Tết ông bà, cha mẹ xong thì cả nhà cùng khai cỗ Tết để mừng Chúa, mừng xuân.
Bài: Sưu tầm & Biên tập