Tín ngưỡng nào cũng có nghi thức xin lễ nhưng có thể hình thức khác nhau và trong đạo Công giáo thì việc xin lễ được cho là những nghi thức tôn kính, cầu nguyện và phó thác, tín thác vào sự quan phòng, lo liệu của Thiên Chúa cho những điều phiền muộn, đau khổ, ước muốn và xin ơn cho những người thân trong gia đình, anh em làng mạc, đất nước và những người đã qua đời.
Dâng lễ khác xin lễ bởi là một nghi thức được các linh mục cử hành để cùng hiệp ý dâng với giáo dân trong thánh lễ. Nhưng cầu nguyện, xin lễ có thể thực hành bất cứ khi nào, ở đâu trong lòng người ấy thôi thúc chạy đến với Chúa, Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse hay Các Thánh của giáo hội để dâng lễ bằng lời cầu nguyện, tâm tình những gì trong lòng đang muốn được Chúa ẵm đỡ.
Dâng lễ trong phụng tự là một nghi thức đặc biệt quan trọng và nằm trong giáo luật nhưng cầu nguyện, xin lễ do tự mình thấy cần thì cũng được Chúa đón nhận như một của lễ làm đẹp lòng Chúa, tín thác và tin tưởng nơi Ngài.
Xin lễ, thường gắn với việc góp một chút tiền tuỳ theo và không có luật hay hướng dẫn phải thế này, phải thế kia. Xin lễ, là cách người tín hữu muốn thể hiện lòng tin tưởng, cậy trông và xin ơn Chúa thông ban. Cách nào đó, xin lễ như một lệ thường và người xin lễ có thể âm thầm cầu xin ở trong lòng, không nhất thiết phải cho tiền vào phong bì, giỏ hay những khay/hòm đã làm sẵn để bỏ tiền. Số tiền lớn hay nhỏ, không có giá trị bằng thành tâm, thành ý với điều mình cầu nguyện. Bởi vì Thiên Chúa là Đáng thấu suốt mọi tâm hồn nên khi lời cầu nguyện đơn sơ, đẹp ý Chúa thì mọi sự Chúa sẽ thông ban cho.
Tiền xin lễ, giáo luật có quy định sử dụng nghiêm ngặt và những đồng tiền thông qua việc xin lễ, góp vào nhà thờ, nhà xứ đều lo việc cho giáo hội như xây dựng, tu sửa cơ sở, vật chất, giáo dục, cải thiện đời sống… và vô cùng quan trọng, hữu ích nên việc xin lễ bằng tiền có ý nghĩa “vật chất” là đóng góp vào phát triển giáo hội và những gì Chúa lắng nghe sẽ chỉ là Lòng Thương Xót Của Chúa dành cho chúng ta khi cầu nguyện. Tuỳ theo Thánh Ý Chúa, chúng ta sẽ được Chúa lo liệu theo một cách nào đó đúng lúc cần kíp nhất, lợi ích nhất cho mỗi con cái Ngài.
Cho nên việc xin lễ nhiều hay ít không ảnh hưởng gì đến lời cầu nguyện hay “tác động” vào ơn Chúa ban, mặc dù khi xin lễ, thể xác luôn cân nhắc “nhiều ít” và không ít lo nếu số tiền ít ỏi. Trong kinh Thánh, có một dụ ngôn Chúa Giêsu khi thấy bà goá bỏ hai đồng tiền vào giỏ và Ngài đã nói với các môn đệ: người giàu đã tặng một số tiền lớn hơn số tiền mà bà ấy có nhưng vì họ có nhiều tiền để cho. Người đàn bà góa không có nhiều tiền hơn. Bà tặng tất cả số tiền mà bà có. Bà dâng lên Thượng Đế nhiều hơn tất cả những người giàu.
Người đi xin lễ rất muốn nói nhiều điểu với Chúa, nhiều lúc còn cảm thấy lo lắng mình chưa nói hết, thậm chí có khi còn phải viết sẵn ra giấy. Điều này cũng thật tốt đẹp, vì lúc này chúng ta như trở về với Cha, kế hết với Cha vì biết Cha nhân lành, không quở trách, phán xét mà Cha sẽ lắng mọi sự rồi để an ủi, dẫn giải, hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta đi vào con đường mà Người thấy lợi ích.
Cho nên việc ghi ra những điều mình muốn cầu nguyện, muốn xin thực sự là rất cần thiết cho người đi xin lễ, vì những điều này là một sự ấp ủ, tin tưởng và tín thác rất sâu sắc theo phương diện bản thể bất toàn. Nếu xin lễ mà tích vào các ô viết sẵn, đôi khi có linh mục chỉ nhắc qua loa, thậm chí nói “ghi ít thôi, đọc sao hết được” hay “ghi gộp lại”… lúc đó người đi xin lễ rất bối rối, cảm thấy ý mong muốn của mình chưa được giãi bày đầy đủ. Mặc dù, người đi xin lễ đã vì lòng tin và tin rằng Chúa thấu suốt hết linh hồn, hết trí khôn và cả sự xin “cho bõ công” nhưng nếu được ghi ra bằng bút hết ý mình tin tưởng, mình cậy trông sẽ thấy an lành ngay từ khi viết xong những lời nguyện xin với Chúa.
Bài: Sưu tầm & Biên tập