Theo ý kiến các Thánh Giáo Phụ và Thánh Sử thì Thánh Tađêô Tông Đồ thuộc hoàng tộc Đavít. Thật vậy, thân phụ Thánh Tađêô - ông Clêôpha - là bào huynh của Thánh Cả Giuse. Thân mẫu Thánh Tađêô – bà Maria Clêôpha - là chị em họ với Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria.
Lĩnh vực hoạt động tông đồ của Thánh Tađêô thật mênh mông. Trước tiên, ngài rao giảng Tin Mừng tại Giuđêa, rồi đến Mesopotamia và sau cùng tại Ba Tư. Đi đến đâu, Thánh Tađêô đều phổ biến chân lý Ngôi Lời nhập thể và làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Chúa Giuse Kitô. Rất đông môn đệ theo ngài và con số Kitô hữu mỗi ngày một gia tăng. Ngài chỉ định các phó tế, Linh Mục, Giám Mục và thành lập các giáo đoàn địa phương tại tất cả nơi nào ngài truyền đạo.
Người ta tin rằng thánh nhân đã viết Thư Giuđa, một trong quyển ngắn nhất trong Kinh thánh, và tương truyền ngài đã chịu tử đạo ở Beirut, Lebanon vào khoảng năm 65 sau Công nguyên. Thánh Giuđa thường được miêu tả cùng với một cây gậy hay cây rìu, tượng trưng cho cách mà thánh nhân chịu tử đạo, cùng với ngọn lửa trên đầu ám chỉ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Theo nhà sử học giáo hội cổ đại Eusebius, khi Chúa Giêsu còn sống, vua Abgar V ở Edessa mắc một căn bệnh nan y và gây nhiều đau đớn. Ông đã nghe nói về những phép lạ của Chúa Giêsu nên đã viết cho Người một lá thư để xin Người đến thăm. Chúa Giêsu trả lời rằng Người sẽ sai một trong các môn đệ của mình đến. Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Giuđa đã đi truyền giáo gần thành phố Edessa vàđến thăm Abgar. Thánh Giuđa đã đặt tay lên vị vua đang đau bệnh và ông lập tức được chữa lành.
Từ đó, nhiều người chọn cách đính hình của Thánh Giuđa trên huy hiệu hay làm mặt dây chuyền trên vòng cổ để được an ủi và để kêu cầu ngài trong những lúc hoạn nạn hay khi cần được chữa lành.
Khi đến Ba Tư, Thánh Tađêô nhập chung với Thánh Simon, biệt danh “Quá Khích” (Mc 3,18/Lc 6,15). Tại đây cả hai vị phải đương đầu với bè rối do Zaroes và Arfexat, hai thầy tế lễ ngoại giáo cầm đầu. Hai tư tế này xúi giục dân chúng nổi loạn, chống lại các lời rao giảng và hoạt động của hai Thánh Tông Đồ Tađêô và Simon. Thánh Tađêô biết rõ sứ mệnh trần thế của mình sắp chấm dứt và triều thiên tử đạo vì vinh quang Thiên Chúa chắc chắn cũng gần kề.
Khi đến thành Suamyr một trung tâm lớn của Ba Tư, hai Thánh tông đồ Tađêô và Simon trọ nơi nhà ông Semme, đồ đệ của các ngài. Ngay sáng sớm hôm sau, các tư tế ngoại giáo của thành phố, bị thấm nhiễm độc dược của Zaroes và Arfexat, hô hào dân chúng đến bao vây nhà ông Semme. Họ gào thét:
- Hỡi ông Semme, hãy giao nộp hai kẻ thù các thần linh cho chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ đốt cháy nhà ông!
Nghe lời dọa nạt độc dữ ấy, hai Thánh Tông Đồ Tađêô và Simon liền tự nộp mình. Họ buộc các ngài phải thờ lạy các thần linh ngoại giáo. Dĩ nhiên các ngài từ chối. Họ tàn nhẫn đánh đập các ngài. Giữa máu đào, trong giây phút linh thiêng cuối đời, Thánh Tađêô còn lấy chút nghị lực sau cùng, nhìn thẳng vào mặt Thánh Simon và nói:
- Hiền huynh dấu ái, tôi trông thấy Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Ngài gọi chúng ta về với Ngài!
Khi hai Thánh Tông Đồ Tađêô và Simon tắt thở, hồn bay thẳng về Thiên Đàng, bầu trời thành phố Suamyr bỗng nổi cơn giông tố dữ dội. Đền thờ ngoại giáo bị sét đánh sụp bình địa. Hai ông Zaroes và Arfexat bị chết tươi tại chỗ.
Thánh Tađêô Tông Đồ tử vì đạo ngày 28-10-70 theo niên lịch Kitô-Giáo, đúng 36 năm sau khi Đức Chúa Giêsu Kitô Lên Trời.
Di hài hai Thánh Tông Đồ Tađêô và Simon được gìn giữ tại Babilonia trong ngôi Thánh Đường xây cất dâng kính các ngài. Không bao lâu, đền thờ lôi cuốn đông đảo tín hữu đến hành hương viếng mộ, vì các phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Thánh Tađêô Tông Đồ.
Sau đó, di hài hai vị được đưa về thủ đô Roma, đặt trong đền thờ Thánh Phêrô, dưới bàn thờ dâng kính Thánh Cả Giuse.
Mặc dù Thánh Giuđa không được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh và ngài chỉ có một câu nói được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 14,22), nhưng vị tông đồ âm thầm lại này vô cùng nổi danh đối với người Công giáo ngày nay. Sự nổi danh của Thánh Giuđa có lẽ bắt nguồn từ việc ngài là đấng bảo trợ đặc biệt khẩn cầu trong những trường hợp hầu như tuyệt vọng, không thể giải quyết hoặc vô phương chữa trị.
Kinh cầu cùng Thánh Giuđa Tađêô
Ôi lạy Thánh Giuđa Tađêô, tông đồ và là anh em họ của Đức Chúa Giêsu, ngài đã dâng hiến mạng sống cho Chúa! Việc trùng tên Giuđa với kẻ phản bội là lý do khiến cho nhiều tín hữu quên ngài nhưng Giáo Hội Hoàn Vũ vẫn tôn kính ngài và kêu cầu ngài như vị bảo trợ đặc biệt cho các hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, cho các trường hợp vô phương cứu chữa. Xin cầu bầu cùng Chúa cho con đây đang thật đáng thương; con van nài ngài hãy thực thi đặc ân Chúa ban cho ngài là can thiệp cách tỏ tường và tức khắc vào những nơi nào mà sự giúp đỡ xem ra hoàn toàn không thể được . Xin đến cứu giúp con trong cơn gian nan khốn khó hầu con nhận được ơn an ủi và sự bảo trợ của Trời Cao trong mọi khổ tâm, mọi đau khổ và mọi buồn sầu, cách riêng: xin thánh Tađêô... (bày tỏ các ơn cần xin), hầu con có thể cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa cùng với ngài cho đến mãi muôn đời. Con xin hứa với ngài, ôi lạy Thánh Giuđa Tađêô, là con sẽ luôn luôn ghi nhớ ơn lớn lao ngài cầu bầu cho con và mãi mãi tôn kính ngài như vị bảo trợ đặc biệt và quyền năng của con và sẽ làm mọi cách trong khả năng của con để phổ biến và khuyến khích lòng tôn kính và sùng mộ ngài. Amen!
Đọc Kinh Lạy Cha ... Kinh Kính Mừng ... Kinh Sáng Danh.
Một kinh nguyện với Thánh Giuđa
Lạy thánh Giuđa Tông đồ đáng kính, tôi tớ trung thành và là người bạn nghĩa thiết của Chúa Giêsu, Giáo Hội muôn nơi tôn vinh và khẩn cầu Người là Đấng bảo trợ trong những tình huống nguy khốn, và nơi những việc dường như tuyệt vọng. Xin cầu cho con là người đang rất lẻ loi và cô độc.
Xin cầu cùng Chúa để Người ban xuống cho con ơn giúp sức tỏ tường và nhanh chóng trong cơn tuyệt vọng. Xin đến giúp con vì nhu cầu cấp bách này, để con có thể nhận được ơn an ủi và cứu giúp từ trời cho những nhu cầu khẩn thiết, những gian nan thử thách và những nỗi khổ đau, đặc biệt là: (theo ý nguyện riêng...), và con xin hiệp cùng với ngài và tất cả các thánh ngợi khen Chúa đến muôn đời. Lạy Thánh Giuđa đáng kính, con xin hứa sẽ tri ân Chúa vì sự trợ giúp lớn lao này, cùng không ngừng tôn vinh ngài là đấng bảo trợ đặc biệt và mạnh thế của con, và con sẽ không ngừng cảm tạ và cổ võ lòng sùng kính ngài. Amen.
Đọc Kinh Lạy Cha ... Kinh Kính Mừng ... Kinh Sáng Danh.
Bài: Sưu tầm & Biên tập