Tôn giáo là phần lương thực tinh thần của phần lớn thế giới từ xa xưa cho đến ngày nay. Các nền văn minh đều bắt đầu từ niềm tin của tôn giáo, Đấng họ tôn thờ. Trong số hàng trăm tín ngưỡng thì chỉ có một số tôn giáo có số lượng đông đảo tín đồ. Và bài viết này sẽ đề cập đến những Tôn giáo có lượng tín đồ lớn nhất.
Kitô giáo
Kitô giáo (thuật ngữ phiên âm) hay Cơ Đốc giáo (thuật ngữ Hán Việt) là một trong các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, đặt nền tảng trên giáo huấn, sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô như được ký thuật trong Kinh thánh Tân Ước. Kitô hữu (Cơ Đốc nhân) tin rằng Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa và là Đấng Messiah của người Do Thái như đã được tiên báo trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thuộc tôn giáo độc thần, hầu hết Kitô hữu tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất hiện hữu trong ba thân vị (tiếng Hy Lạp: hypostasis) gọi là Ba Ngôi Thiên Chúa. Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa và văn minh phương Tây.
Trải qua hai thiên niên kỷ, các bất đồng về thần học và giáo hội học đã hình thành các hệ phái Kitô giáo khác nhau. Bốn nhánh chính hiện nay của Kitô giáo là Công giáo Rôma, Kháng Cách (Tin Lành), Chính Thống giáo Đông phương, và Chính Thống giáo Cựu Đông phương. Công giáo Tây phương, Chính Thống giáo Đông phương và Chính thống giáo Cựu Đông phương cắt đứt hiệp thông với nhau trong cuộc Ly giáo Đông – Tây năm 1054 và cuộc Ly giáo Chalcedon khởi đầu năm 451. Kháng Cách (cũng thường gọi là Tin Lành), không phải là một hệ phái đơn nhất nhưng là thuật từ nhóm hợp, phát sinh từ cuộc Cải cách Kháng nghị thế kỷ 16. Tính chung, Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới với khoảng 2,3 tỉ tín hữu, chiếm hơn 31% dân số thế giới (theo số liệu năm 2015).
Từ nguyên của "Kitô" là Χριστός (Khristos) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "Đấng được xức dầu", dịch theo danh hiệu Messiah trong tiếng Hebrew. Trong tiếng Việt, người Công giáo dùng từ "Kitô" để gọi danh hiệu này của Chúa Giêsu, trong khi người Tin Lành thường dùng từ "Christ". Bên cạnh từ "Kitô" phiên âm qua tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng bởi tín hữu Công giáo, còn có từ "Cơ Đốc" xuất phát từ chữ Nho (基督) và thường được tín hữu Tin Lành sử dụng. Ngoài ra, một số người cũng dùng cách gọi Thiên Chúa giáo để chỉ Công giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung.
Số lượng tín đồ: Trên 2,4 tỷ (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Khắp nơi thế giới, trừ một vài nơi.
Đạo Hồi
Đạo Hồi (hay còn gọi là Hồi giáo) là tôn giáo nằm trong nhóm chung nguồn gốc Abraham, có xuất xứ từ Ả Rập. Trong đạo Hồi thì đạo Hồi dòng Sunni chiếm đến 70-90%. Với tổng số giáo đồ lên đến 1,5 tỉ người, đạo Hồi dòng Sunni đứng đầu trong Top 10 tôn giáo lớn nhất thế giới.Đạo Hồi được thành lập bởi nhà tiên tri Muhammad - người được những giáo đồ tin rằng đã nhận mặc khải của Allah Đấng Tối Cao - vị thần duy nhất theo đạo Hồi.
Sau cái chết của Muhammad, đạo Hồi phân chia thành 2 dòng chính là đạo Hồi dòng Sunni và Shia. Những người theo đạo Hồi dòng Sunni tin rằng 4 vị khalip đầu tiên - đệ tử tối cao của Muhammad, là người thừa kế Muhammad, Đấng Allah không có người thừa kế nào khác sau Muhammad. 4 vị khalip này sau này trở thành tên của 4 nhánh con thuộc đạo Hồi dòng Sunni: Hanafi, Hanbali, Maliki và Shafi'i.
Số lượng giáo đồ: 1,5 tỉ người (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Albania, một phần lãnh thổ Nga, các tỉnh phía tây Trung Quốc.
Ấn Độ giáo
Ấn Độ giáo hay còn gọi gọn là Ấn giáo hay Hindu giáo là tên chỉ những nhánh tôn giáo chính có tương quan với nhau và hiện còn tồn tại ở Ấn Độ. Khoảng 80% người Ấn Độ tự xem mình là người theo Ấn Độ giáo và người ta cho rằng, có khoảng 30 triệu người theo Ấn Độ giáo sống tại hải ngoại.
Ấn Độ giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới. Nó có nguồn gốc phức tạp, và kéo theo một chuỗi các giáo lí cũng như hệ thống thần thánh. Các nghi thức và đức tin phong phú phản ánh sự đa dạng to lớn của Ấn Độ, nơi mà có tới một tỉ tín đồ định cư ở đó. Ấn Độ giáo còn hơn cả một tôn giáo. Nó là một nền văn hóa, một thói quen sống và một bộ quy tắc ứng xử. Điều này được phản ánh trong một thuật ngữ người Ấn Độ dùng để miêu tả Ấn Độ giáo: Sanatana Dharma, có nghĩa là niềm tin vĩnh cửu hay cách mà mọi thứ tồn tại (chân lý).
Từ Hinduism bắt nguồn từ một khái niệm của người Ba Tư để chỉ cư dân ở những vùng bên ngoài thung lũng Indus, nay là một dòng sông ở Pakistan. Trong những năm đầu thế kỉ 19, từ này đã đi vào tiếng Anh phổ thông để miêu tả những truyền thống tôn giáo chiếm ưu thế ở Nam Á, và ngày nay nó chỉ được dùng cho Ấn Độ giáo. Đức tin và giáo lí tu tập của đạo Hindu phổ biến rất rộng rãi, thay đổi theo thời gian, và theo cá nhân, cộng đồng hay khu vực.
Số lượng giáo đồ: 900 triệu người (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Nam Á, Đông Nam Á, Fiji, Guyana, Mauritus.
Đạo giáo
Đạo giáo (tiếng Trung: 道教) (Đạo nghĩa là con đường, đường đi, giáo là sự dạy dỗ) hay gọi là Tiên Đạo, là một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, được xem là tôn giáo đặc hữu chính thống của xứ này. Nguồn gốc lịch sử được xác nhận của Đạo giáo được xem nằm ở thế kỉ thứ 4 trước CN, khi tác phẩm Đạo Đức kinh của Lão Tử xuất hiện. Các tên gọi khác là Lão giáo, Đạo Lão, Đạo Hoàng Lão, hay Đạo gia, Tiên Giáo(道家).
Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Ba truyền thống tư tưởng nội sinh (Nho Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hoá dân tộc Trung Quốc. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả ba giáo lý này đã hoà hợp thành một truyền thống. Ảnh hưởng Tam giáo trong lĩnh vực tôn giáo và văn hoá vượt khỏi biên giới Trung Quốc, được truyền đến các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, Đạo giáo đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, Triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, vũ thuật và địa lý.
Vì xuất hiện dưới nhiều trạng thái khác biệt và sự khó phân ranh rõ ràng với những tôn giáo khác nên người ta không nắm được số người theo Đạo giáo. Đặc biệt có nhiều người theo Đạo giáo sinh sống tại Đài Loan, nơi nhiều trường phái Đạo gia đã lánh nạn Cách mạng văn hoá tại Trung Quốc lục địa. Hiện nay, Đạo giáo có khoảng 400 triệu tín đồ tập trung tại các nước Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan và cộng đồng người Hoa hải ngoại.
Đạo Giáo cũng nhắc tới các vị Tiên và việc thờ cúng các vị Tiên thể hiện sự kính trọng.
Số lượng giáo đồ: 400 triệu người (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Trung Quốc, Singapore, Malaysia và cộng đồng người Hoa hải ngoại, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tôn giáo dân gian Trung Quốc
Tôn giáo ở Trung Quốc từ lâu đã là một cái nôi và chủ nhà của một loạt các tôn giáo lâu đời nhất - truyền thống triết học của thế giới. Nho giáo và Đạo giáo, sau đó được Phật giáo gia nhập, tạo thành "Ba giáo lý - Tam giáo" đã định hình văn hóa Trung Quốc. Không có ranh giới rõ ràng giữa các hệ thống tôn giáo đan xen này, chúng không tuyên bố là độc quyền, và các yếu tố của mỗi tôn giáo phổ biến hoặc tôn giáo dân gian. Các hoàng đế của Trung Quốc đã tuyên bố Thiên mệnh và tham gia các hoạt động tôn giáo của Trung Quốc.
Đầu thế kỷ 20, các quan chức và trí thức có đầu óc cải cách đã tấn công tất cả các tôn giáo là "mê tín" và kể từ năm 1949. Trong đỉnh điểm của một loạt các chiến dịch chống lại các tôn giáo đã được tiến hành từ cuối thế kỷ 19, Cách mạng Văn hóa chống lại các thói quen, tư tưởng, phong tục và văn hóa cũ, kéo dài từ năm 1966 đến 1967, đã phá hủy hoặc buộc chúng chuyển sang hoạt động ngầm. Chính phủ chỉ chính thức công nhận năm tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Tin lành và Công giáo (mặc dù Giáo hội Công giáo Trung Quốc độc lập với Giáo hội Công giáo ở Rome). Vào đầu thế kỷ 21, ngày càng có sự công nhận chính thức của Nho giáo và tôn giáo dân gian Trung Quốc như là một phần của sự kế thừa văn hóa của Trung Quốc.
Số lượng giáo đồ: 394 triệu người (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Trung Quốc
Phật giáo
Một tôn giáo lớn khác cũng xuất phát từ Ấn Độ và là một trong Top 10 tôn giáo lớn nhất thế giới, đó chính là đạo Phật. Đạo Phật được hình thành từ khoảng thế kỷ 6 TCN, khi Siddhartha Gautama - hoàng tử thành quốc Kapilavastu của Ấn Độ cổ đại (nay thuộc Nepal) vì nhận ra sự khổ trong cuộc sống đã lên đường tìm cách diệt khổ. Siddhartha hành khất khắp nơi và cuối cùng đã giác ngộ, được tôn xưng là Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni), nghĩa là "Bậc thức giả vĩ đại" hoặc cũng gọi là Buddha (Phật), nghĩa là "Người giác ngộ". Ngài được coi như là vị Phật đầu tiên đã thoát khỏi luân hồi để nhập diệt vào cõi Niết Bàn.
Nguyên tắc chính của đạo Phật là hướng con người đến cái thiện, tránh làm điều ác, chăm chỉ tu luyện để diệt khổ, diệt ngã, thoát khỏi luân hồi, để đến với Niết-Bàn (theo Phật Thích-Ca) hoặc Tây Phương cực lạc (theo Phật A di đà). Sau khi đạo Phật được Phật Thích Ca lập ra, đã nhanh chóng phát triển toàn cõi Ấn Độ và lan sang cả các nước Tây Á, từ Tây Á lan truyền sang phía Đông thông qua con đường tơ lụa. Với sự phân nhánh theo Tiểu thừa và Đại thừa, khi Tiểu thừa chủ trương giữ cái căn bản, nguyên gốc còn Đại thừa chủ trương mở rộng, phát triển, đạo Phật Đại thừa đã giao thoa với tín ngưỡng các nước khác để tạo sức ảnh hưởng. Đạo Phật phát triển rộng rãi ở Trung Hoa vào thời nhà Đường, với sự tích Đường Tăng Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh và rồi từ đó trở đi, đạo Phật phát triển rộng khắp Trung Hoa, với ngôi chùa nổi tiếng Thiếu Lâm Tự.
Từ Trung Hoa, đạo Phật ảnh hưởng rộng rãi tới các quốc gia khác như Nhật Bản, Triều Tiên... Trong khi đạo Phật Đại thừa ảnh hưởng khắp Trung Hoa và Đông Á thì đạo Phật Tiểu thừa cũng theo người Ấn Độ sang khu vực Đông Nam Á vốn được xem như là Ấn Độ thu nhỏ với các nền văn minh Khmer, Java, Việt Nam...
Số lượng giáo đồ: 365 triệu người (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Nepal, Ấn Độ, Tây Tạng, Bhutan...
Nho giáo
Nho giáo (儒教), còn gọi là đạo Nho hay đạo Khổng là một hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng và được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, thái bình, thịnh vượng.
Nho giáo rất có ảnh hưởng tại ở các nước châu Á là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam. Những người thực hành theo các tín điều của Nho giáo được gọi là các nhà Nho, Nho sĩ hay Nho sinh.
Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, Nho giáo, Nho gia (đạo Nho) là một thuật ngữ bắt đầu từ chữ Nho, theo Hán tự từ "Nho" gồm từ "Nhân" (người) đứng gần chữ "Nhu". Nho gia còn được gọi là nhà Nho người đã học sách thánh hiền, có thể dạy bảo người đời ăn ở hợp luân thường, đạo lý,...Nhìn chung "Nho" là một danh hiệu chỉ người có học thức, biết lễ nghĩa.
Tại Trung Quốc, Nho giáo độc tôn từ thời Hán Vũ Đế, trở thành hệ tư tưởng chính thống cả về chính trị và đạo đức của Trung Hoa trong hơn 2.000 năm. Từ thế kỷ thứ IV, Nho giáo lan rộng và cũng rất phát triển ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Số lượng giáo đồ: 150 triệu người (theo số liệu 2015).
Quốc gia chính: Đông Á và cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
Thần đạo
Thần đạo có rất nhiều các Thần Thánh, có đến 8 triệu thần (神 Kami). Tuy một số các vị thần này được nhân cách hóa, đa phần các thần liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, mặt trăng, cây cỏ, hoa lá. Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu và người quá cố đã trở thành linh hồn cũng được xem là thần. Những thần trú ngụ ở tầng cao nhất trên thiên đàng gọi là "Cao thiên nguyên" (高天原 takama ga hara), và chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống các đền thờ trong các nghi lễ.
Nghi lễ trong Thần đạo để cầu nguyện hay cảm tạ các thần thường được tổ chức tại các thần xã (神社) hoặc những nơi linh thiêng đặc biệt. Những linh vật thường được dâng lên thần linh là vải, gương hay kiếm. Nghi lễ tẩy trần rất quan trọng, người làm lễ phải giữ cho mình được trong sáng để được tĩnh tâm và có được may mắn. Ngày nay, các hoạt động nghi lễ Thần đạo thường được gắn với lễ hội, lễ cưới truyền thống hay năm mới. Tuy nhiên người ta cũng thường hay đến đền để cầu nguyện và dâng lễ (thường là chỉ bỏ vài yen vào thùng rồi cầu xin thần), hay mua bùa may mắn. Và ở nhà cũng thường có thần bằng (神棚 Kamidana) để thờ các linh hồn.
Tư tưởng của Thần đạo khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác. Giết chóc đối với Thần đạo là điều ác và không nên giết sinh vật trừ khi vì sự sống còn của bạn, nên trước khi ăn thường phải nói câu Itadakimasu! (戴きます) để cảm ơn những sinh linh đã chết để trở thành thức ăn, ngày nay điều này đã trở thành một phong tục. Những người hay sinh vật bị giết một cách dã man, và không được thờ cúng sẽ trở thành hoang thần dạng (荒神様 Aragami). Ngoài ra, còn có rất nhiều loại ma quỷ như quỷ (鬼 Oni), yêu quái (妖怪 Youkai), Hà đồng (河童 Kappa)...
Số lượng giáo đồ: 30 triệu (theo số liệu 2015)
Quốc gia chính: Nhật Bản
Do Thái giáo
Do Thái giáo là một tôn giáo độc thần cổ đại thuộc nhóm các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham đặt nền tảng trên Kinh Torah (là một phần của Kinh Tanakh hay Kinh Thánh Hebrew) gắn liền với lịch sử của dân tộc Do Thái, như đã được diễn giải trong Kinh Talmud và các sách, hoặc các kinh khác. Do Thái giáo bao gồm tôn giáo, tư tưởng triết học và văn hoá, tập quán của người Do Thái. Do Thái giáo bao gồm một tập tài liệu văn bản tôn giáo đồ sộ, các cách thực hành đạo, các chức vụ thần học và các tổ chức cộng đồng tôn giáo. Kinh Thánh Torah là một phần của văn bản tôn giáo đồ sộ này được gọi là Kinh Tanakh hoặc Kinh Thánh Hebrew và bổ sung thêm là các giải thích Kinh Thánh truyền thống qua truyền miệng sau này được ghi chép qua các văn bản như Midrash và Talmud.
Chiều dài lịch sử của Do Thái Giáo đã trải qua hơn 3000 năm. Đạo Do Thái giáo có nguồn gốc từ Trung Đông trong khoảng thời đại đồ đồng. Do Thái giáo được xem là một trong những tôn giáo độc thần cổ đại nhất thế giới. Đạo Do Thái giáo trong quan điểm của những người Do Thái sùng đạo thì tôn giáo này là mối quan hệ giao ước giữa người Israel cổ đại và sau này là người Do Thái với Thiên Chúa, cho nên nhiều người xem đây là tôn giáo độc thần đầu tiên. Do Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất mà vẫn còn được thực hành cho đến ngày nay, sách Thánh và rất nhiều truyền thống của Do Thái giáo tiếp tục được coi trọng trong các tôn giáo truyền thống Abraham nói chung và cộng đồng Do Thái giáo nói riêng. Vì thế, lịch sử và những luận lý, đạo đức của Do Thái giáo có ảnh hưởng ít nhiều đến các tôn giáo khác, bao gồm cả Kitô giáo, Hồi giáo, và Ba-ha-i giáo.
Nhiều phương diện của Do Thái giáo ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các khái niệm về đạo đức và luật dân sự của các nước phương Tây. Nền văn minh Hebrew cũng là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nền văn minh phương Tây như Hê-lê-ni-sơ, và Do Thái giáo như là một tôn giáo mẹ đẻ của Kitô giáo đã mài bén các lý tưởng và đạo đức phương Tây từ Kỷ nguyên Cơ Đốc giáo.
Vì đại đa số người theo Do Thái giáo là người Do Thái nên tín đồ tôn giáo này cũng còn được gọi là người Do Thái và gọi như thế là đang nói đến nhóm tôn giáo mang tính chất dân tộc vì các lý do trong sách thánh đã xác định họ là một "công dân riêng", một quốc gia, chứ không chỉ riêng những người theo đạo. Năm 2007, mặt độ dân số Do Thái ước tính khoảng 13.2 triệu người, trong đó chỉ có 41% sinh sống ở Israel.
Số lượng giáo đồ: 14.3 triệu người (số liệu năm 2015).
Quốc gia chính: Isael, Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Á, Châu Phi, và Châu Úc.
Bài: Sưu tầm & biên tập