Thánh tượng Đức Mẹ Tà Pao thuộc địa bàn Giáo Hạt Đức Tánh, Giáo Phận Phan Thiết.
Tà Pao trước đây là một vùng đèo heo hút gió, thưa thớt dân cư… Theo tiếng của dân tộc K’Ho, Tà Pao có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp” (“Tà”: đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”.
Năm 1959, lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được tổ chức rất long trọng tại các Giáo phận miền Nam nhằm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, được gọi là Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc. Dịp này, năm tượng đài Đức Mẹ được xây dựng bao gồm: Đức Mẹ Giang Sơn (Darlac), Đức Mẹ Thác Mơ (Phước Long), Đức Mẹ Phượng Hoàng (Kon Tum), Đức Mẹ Trinh Phong (Ninh Thuận) và Đức Mẹ Tà Pao (Bình Tuy, nay thuộc Bình Thuận).
Do chiến tranh, giáo dân tại đây phải đi sơ tán khắp nơi, nên Tượng đài Đức Mẹ Tà Pao không được chăm sóc, bảo quản. Sau 1975, vào khoảng tháng 10-1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm, cùng giáo dân xứ Nghị Đức đã tìm lại được Thánh Tượng, nhưng trong tình trạng đầu, tay, chân bị bể nát.
Cuối tháng 6-1991, được sự cho phép của Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Giám Mục Phan Thiết lúc bấy giờ và sự động viên của Linh mục FX Đinh Tân Thời - quản xứ Duy Cần, giáo dân tại đây đã nhờ điêu khắc gia Lê Phát (giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) sửa chữa, làm mới lại Tượng Mẹ. Ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao chính thức ngự trị trên ngọn núi Tà Pao.
Tà Pao là tên một ngọn đồi thấp nằm trong dãy Trường Sơn, thuộc huyện Lạc Tánh, tỉnh Bình Thuận. Theo giáo truyền thì địa danh này thuộc địa phận Phan Thiết. Trên độ cao khoảng 80 đến 100 mét của đồi Tà Pao này hiện có Tượng Đức Mẹ, mặt hướng về các con lộ đi Phương Lâm, Tánh Linh và Bình Thuận. Tượng Đức Mẹ đúc bằng xi măng trắng cao 3m, đặt trên một bệ vuông cao 2m. Tượng đã được Xức Dầu Thánh Hiến vào ngày Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh 08-02-1959. Thời gian vừa qua, Tượng Đức Mẹ Tà Pao đã xảy ra một số sự kiện, mang dấu chỉ sự hiện ra của Đức Mẹ. Chúng tôi xin lược ghi lại các sự kiện đó theo rất nhiều thị nhân chứng kiến thuật lại, hầu chúng ta củng cố thêm niềm tin yêu vốn có của chúng ta đối với Mẹ Nhân Lành.
Ngày 15-08-1999, lúc 12g45phút, bốn em học sinh tên Mỹ Hiền, Tuyết Nhung, Hồng Nhung và Bích Trâm đang chơi trước sân trường tiểu học (dưới chân đồi) thì thấy một đám mây lớn sáng hồng ở giữa có hình Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng, đầu đội triều thiên rực rỡ, chung quanh đám mây có rất nhiều chim bồ câu bay lượn. Đức Mẹ cử động và nhìn các em một cách trìu mến. Thấy vậy các em vào lớp gọi cả trường ra coi. Một số thầy cô cũng ra, họ thấy rõ và về nhà kéo nhiều người cùng ra xem. Sau một lúc, Đức Mẹ bế Chúa về hướng Tà Pao bỏ Chúa xuống, chắp tay đi khuất vào lưng chừng đồi. Từ đó trở về sau, dân quanh vùng ban ngày thì nhìn thấy một đám mây rất lớn dáng hình Đức Mẹ bế Chúa đứng trên đồi, ban đêm thì thấy một vì sao lạ xuất hiện trên núi đồi Tà Pao. Tin đồn lan xa, mọi người từ mọi phương không kể già trẻ, giàu nghèo, yếu khoẻ, đủ mọi thành phần, đủ mọi tôn giáo đã lũ lượt kéo về ngắm nhìn và cầu xin Mẹ. Nhiều người đã được thấy một cách rõ ràng, nên tìm cách đi sâu vào rừng, trèo lên cao và theo hướng ngôi sao chỉ dẫn đã tìm thấy tượng Đức Mẹ để hoang phế bao năm, không còn nguyên vẹn. Những người thấy đầu tiên đã chắp vá lại những loang lổ. Thế là tin đồn về Tượng Đức Mẹ được tung ra, người người càng ngày tiến về càng đông. Ở đây, Đức Mẹ đã luôn luôn cho các dấu chỉ lạ về Mẹ và ban ơn cho nhiều người được theo ý nguyện khi có lòng đến đây cầu xin Mẹ.
Ngày 13-10-1999 Đức Mẹ hiện ra uy nghi sáng láng bay từ trời cao xuống, áo Mẹ như dạ quang lung linh, đầu đội triều thiên rực rỡ, chung quanh Mẹ hàng triệu vì sao lấp lánh. Mẹ đứng trên đám mây hồng rực sáng nhìn đoàn con rất trìu mến. Mẹ để cho mọi người nhìn ngắm Mẹ và đã có rất nhiều máy quay phim, chụp ảnh ghi lại những hình ảnh này. Sau đó, Mẹ bay về hướng núi Tà Pao và ẩn vào tượng đài. Cùng ngày, lúc 16giờ, Mẹ lại hiện ra đứng trên cao, chân không mang hài. Mẹ đi đi lại lại, lúc khuất sau rặng cây, lúc ngay sát đoàn người dưới chân đài. Hình như Mẹ muốn nâng đỡ các con của Mẹ đang phải vất vả trèo từng nấc thang để lên gần Mẹ. Thời gian Mẹ hiện ra kéo dài tới 18g15phút (hơn hai giờ) Mẹ mới ẩn lại tượng đài. Lần này có khơảng 100.000 người hiện diện và chứng kiến. Ngày 04-11-1999, lúc 4giờ 50 phút sáng, Mẹ hiện ra huy hoàng, bao tinh tú biến mất, ánh hào quang chiếu át cả tia sáng bình minh, áo Mẹ như những viên ngọc bích chiếu sáng rực rỡ. Từ trời, Mẹ bay xuống giữa những tia hào quang. Mặt Mẹ rực sáng và đẹp lộng lẫy không ai có thể tả được. Mọi người sung sướng và kêu lên: Mẹ đẹp quá, đẹp quá Mẹ ơi ! Mẹ dịu hiền nhìn đoàn con. Tới 5giờ 45 phút Mẹ bay về hướng tượng đài.
Ngày 08-12-1999Vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ hiện ra với rất đông người trong đó có các Linh mục và Tu sĩ nam nữ. Cũng như mọi lần, Mẹ đẹp và hiền dịu vô cùng. Mẹ nhìn đoàn con của Mẹ từ muôn phương kéo về đây. Mẹ thương và hình như Mẹ muốn nói gì nhưng Mẹ lại thôi. Ai ai nhìn thấy Mẹ là ngây ngất, chẳng còn biết mình đang ở đâu và làm gì. Miệng cứ líu lại, nước mắt cứ tràn ra. Mẹ nghiêng mình qua lại như thể nhìn ngắm các con của Mẹ một hồi lâu, rồi quay về tượng đài.Từ ngày đó đến nay, cứ những ngày Lễ về Mẹ và những ngày 13 mỗi tháng, Mẹ lại cho một dấu chỉ hoặc một phép lạ cho con cái Mẹ thấy mà tin. Đặc biệt nhất là đến đây xin điều gì đều được Mẹ nhận lời.Gần đây nhất vào ngày 03-06-2000, một đoàn hành hương về mừng Đức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu đã ghé qua Mẹ Tà Pao cầu nguyện. Trong đoàn có một Linh mục, ba người không có đạo nhưng ước ao được thấy sự lạ tại Tà Pao. Đức Mẹ đã thương đoàn, đúng 1giờ 15 phút, giữa bầu trời núi rừng âm u lại kèm theo thời tiết đang có dông bão. Trong đêm tối mịt mù, Mẹ đã hiện ra sáng tỏ. Năm mươi người trong đoàn đều thấy Mẹ nghiêng mình qua lại chừng 15 phút rồi đứng yên. Tượng Đức Mẹ tỏa hào quang cho tới sáng. Vị Linh mục vì quá xúc động nên đã quỳ xuống và sám hối cùng Mẹ. Sau đó, đúng 4 giờ 15 phút sáng có ba vì sao chiếu sáng ba hướng. Một vì sao xanh từ từ di chuyển và nhập vào Mẹ, còn hai vì sao kia vẫn sáng tỏ cho tới 5 giờ mới tắt.
Mọi người trong đoàn đã tỏ ra vô cùng phấn khởi và ao ước một ngày rất gần sẽ lại được đến với mẹ. Ra về trong lòng hân hoan mong chóng tới nhà để loan báo cho mọi người hay về những gì mình đã thấy, để họ cùng tôn vinh Mẹ Tà Pao dịu hiền. Riêng ba chị chưa có đạo, từ lúc gặp Mẹ ở Trà Kiệu, La Vang, Tà Pao luôn ôm chặt lấy chân Mẹ mà khóc với những giọt nước mắt hoan ca và hạnh phúc, các chị chẳng muốn rời Mẹ. Chúng tôi hỏi các chị rằng :” Các chị đã thấy gì và có cảm nghĩ gì xin nói cho đoàn nghe ?” Các chị tươi cười và nói :"Chúng em có phúc hơn các anh các chị rất nhiều. Mẹ đẹp tuyệt vời không thể tả được, chúng em phải lên đây với Mẹ nhiều lần nữa mới được. Mẹ Maria, Mẹ Tà Pao chúng con cảm ơn Mẹ muôn muôn đời !"Ngày 23-07-2000, giữa lúc một đoàn hành hương đang quỳ dưới chân Mẹ để cầu nguyện, thì mọi người đều thấy hình như Đức Mẹ khẽ gật đầu. Thấy vậy họ chăm chú hơn, nhìn lên mặt Mẹ và nhận ra Mẹ đang khóc, hai dòng nước mắt từ từ chảy xuống. Tuy nhiên, trong lúc Mẹ khóc, miệng Mẹ lại rất tươi, tóc và lông mày đen nhung đẹp vô cùng.
Một điều mà ai đến với Mẹ trước đây đều phải xác nhận đó là một phép lạ phi thường Mẹ đã làm. Lúc đó,con đường dẫn đến chân đồi gồ ghề, lởm chởm, các cây cầu ọp ẹp, khách hành hương phải xuống xe đi bộ. Trời mưa thì bùn lầy lội, trời nắng thì bụi bẩn, hai bên đường đều hoang vắng. Muốn lên đến tượng đài Mẹ phải trèo lên một cái dốc thẳng đứng, trơn trượt. Người ta phải căng dây và nhờ người đỡ mới lên được. Nhưng chỉ trong 6 tháng, tất cả mọi sự đã đổi thay. Ngày nay, mọi con đường dẫn vào tượng đài Mẹ đã khang trang, mọi cây cầu đã được làm mới. Khách hành hương được tự do dâng lên Mẹ những đoá hoa tươi thắm, thắp sáng trưng cả khu đồi bằng những ngọn nến, tự do tổ chức các cuộc cầu nguyện tập thể và có Linh mục hướng dẫn cầu nguyện, ban phúc lành ngay tại tượng đài. Người ta có thể chụp ảnh, quay phim thoải mái. Chính quyền còn phụ lực tổ chức các nhà trọ đủ tiện nghi dưới chân đồi cho khách hành hương. Đó không phải là một phép lạ phi thường Mẹ đã làm sao ? Chúng con cảm tạ Mẹ muôn đời.
Từ ngày đó đến nay, cứ lễ về Đức Mẹ và ngày 13 mỗi tháng, Mẹ lại cho một dấu chỉ hoặc một phép lạ.
Bài: Sưu tầm & biên tập