Ngược dòng thời gian, theo truyền thống của người dân nơi đây và có những chứng cứ lịch sử khả tín, vào năm 1644, linh mục thừa sai Calepxi đến truyền đạo và lập họ Kẻ Mành, lúc đó, ông Gioakim được cử làm trùm họ.
Đến đầu năm 1647, đoàn thừa sai kinh lý Bắc Việt Nam của linh mục Caboran và Cardoso đã đến Kẻ Mành để gặp gỡ và động viên tinh thần sống đạo của người giáo dân.
Năm 1675, theo tài liệu của cha E. Fereyra về nhà thờ và các họ đạo tại Nghệ An thì Kẻ Mành đã có nhà thờ và có số giáo dân đông đúc.
Năm 1823, thầy Anrê – người con Kẻ Mành đầu tiên được nhận lãnh hồng ân linh mục. Trong thời kỳ cấm cách chừng 40 năm (1835-1875), người giáo dân nơi đây đã phải trải qua nhiều biến cố đau thương và những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất: một linh mục quê hương cùng hàng trăm giáo dân tử vì đạo, 3 lần nhà thờ bị đốt phá và 1 lần bị dỡ bỏ, 2 linh mục coi sóc bị giết chết, giáo dân ly tán. Năm 1865, số giáo dân đã lên đến 1.000 người, đến năm 1885 chỉ còn khoảng 300 người, số thì bị bách hại, phần đông bỏ làng di cư đến những miền đất mới. Một sự kiện đáng nhớ đối với cộng đoàn xứ biển này là vào ngày 24/2/1914, Đức Giám mục Eloy Bắc đã ký sắc lệnh thành lập giáo xứ Mành Sơn. Giáo xứ Mành Sơn nhận tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy.
Nhà thờ Mành Sơn ngày nay được xây dựng lần hai vào năm 2000, công trình này là sự cố gắng và đóng góp của người dân Giáo xứ với lối kiến trúc cực độc đáo, lấy màu vàng làm chủ đạo, nhà thờ mang đậm phong cách Á Đông.
Bài: Sưu tầm & Biên tập