Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum là một báu vật giữa núi rừng Tây Nguyên – do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Một sự kết hợp đặc sắc giữa văn hóa Tây phương và văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Công trình khởi công năm 1913 và hoàn thành vào năm 1918. Đến nay, sau hơn 103 năm, Nhà thờ vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu.
Vật liệu để xây dựng lên nhà thờ rất đặc biệt, độc đáo. Không phải bằng đá, cũng không phải bằng gạch hay bê tông cốt thép như những nhà thờ khác mà hoàn toàn bằng gỗ tốt nhất thời bấy giờ. Cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng nhà thờ. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… công trình đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Nhà thờ là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica (vương cung Thánh đường) duy nhất còn lại trên thế giới.
Trong khuôn viên có đặt tượng Đức Cha Martial Jannin Phước – vị Giám mục đầu tiên tại Kon Tum. Đây là một vị giám mục người Pháp, ông đã có công lớn trong việc truyền đạo và thiết lập Giáo phận Tông Tòa Kon Tum.
Phía bên ngoài Nhà thờ, mặt chính của nhà thờ cao 24m, chia thành bốn tầng, càng lên cao càng nhỏ dần. Tầng 2 có các khung kính tạo thành ô cửa sổ hình tròn tạo nên vẻ rực rỡ cho nhà thờ. Trên đỉnh là một cây thánh giá bằng gỗ thể hiện sự uy nghiêm nơi thánh đường.
Bên trong là những hàng cột được gắn kết với nhau bằng các vòng cung tạo thành hình vòm, mở ra một không gian rộng, cao và thoáng. Trên những cột gỗ đen bóng được trang trí nhiều họa tiết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao nguyên đầy nắng và gió đem đến một cảm giác hết sức gần gũi. Trên các vách gỗ điểm những khung cửa sổ bằng kính vẽ lại điển tích trong kinh thánh với nhiều màu sắc rực rỡ.
Trên tầng 2 của giáo đường có một phòng truyền thống lưu giữ những hiện vật, bút tích, tài liệu kể lại lịch sử quá trình truyền giáo vào Kon Tum từ nửa cuối thế kỷ XIX và sự phát triển của đạo công giáo đến ngày nay.
Toàn bộ nhà thờ là một công trình khép kín với bố cục hài hòa bao gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày, nhà rông, cô nhi viện, cơ sở mộc, cơ sở may, dệt thổ cẩm.
Nhà thờ Kon Tum là một kiệt tác giữa đại ngàn. Khách hàng hương và du khách có thể đến khám phá ngôi nhà thờ độc đáo này bất cứ vào thời điểm nào trong năm nhưng nếu đến vào mùa hoa đậu nở, bạn sẽ bắt gặp sắc hồng xen lẫn trắng của những con đường hoa trải dài. Đến vào dịp lễ Noel - Giáng Sinh, sẽ là không khí lễ hội náo nhiệt, vui mừng của hàng ngàn giáo dân với những màn múa, hát chào mừng đậm đầy chất Tây Nguyên.
Nhưng nét yên bình, trầm mặc của ngôi giáo đường gỗ độc đáo này mới thực sự cảm thấy khi một mình lang thang khám khá, hít thở trong một bầu không khí trong trẻo như đang trào xuống từ Trời cao.
Bài: Sưu tầm & Biên tập