Giáo xứ Tân Bùi ở vào cây số 170-184 thuộc quốc lộ 20. Vì là một xứ đạo có diện tích đất đai đã và còn đón nhận thêm dân cư, nên số giáo dân tăng dần với thời gian, và ngôi Nhà thờ của xứ đã tu bổ hoặc xây mới nhiều đợt.
Năm 1954, cha Phaolô Võ Quốc Ngữ dẫn đầu một nhóm giáo dân từ Sài Gòn lên miền Bảo Lộc tìm nơi sinh sống. Cha đã đến gặp cha Phaolô Nguyễn Văn Ðậu để tìm hiểu về phong thổ và phương cách làm ăn của miền Bảo Lộc, đồng thời dẫn một số giáo dân đi quan sát cụ thể một số trại tạm cư vừa hình thành (như Tân Hà, Tân Thanh, Tân Phát.). Trước triển vọng tốt đẹp của những trại vừa nói, cha và những người cùng đi đều nhất trí chọn miền đất Bảo Lộc. Vấn đề là đặt chân tại đâu. Nhờ sự giao tế khéo léo, cha đã được bà Nguyễn Hữu Hào bằng lòng nhượng lại vô điều kiện một khu đất tư của bà, rộng 300 mẫu, từ ven quốc lộ tới sông Ðại Bình.
Khoảng trung tuần tháng 11-1954, cha về Sài Gòn, Tân Mai Hố Nai đón nhóm người đầu tiên khoảng 400 người bằng một đoàn xe ca và vận tải trên 10 chiếc. Thời gian sau đó, số người đến càng ngày càng đông; đến cuối năm 1961, con số đã lên đến 2446. Ða số là giáo dân gốc địa phận Bùi Chu, số còn lại thuộc Thanh Hóa, Phát Diệm, Hà Nội, Bắc Ninh.
Ðể ổn định dần dần đời sống cho giáo dân, cha thuê xe ủi những khu đất dốc dác rậm rạp và chia lô cho các gia đình. Mọi người tá túc trong những chiếc lều vải và dùng đồ hộp, đồ khô được tiếp tế đều đặn.
Ngày đáng ghi nhớ nhất của xứ là ngày 19-5-1955: Trong mấy căn lều vải được dựng lên từ đầu làm nơi tạm trú và trụ sở cho cha xứ, một Thánh lễ trang nghiêm đã được cử hành với sự tham dự của mọi người, đánh dấu ngày xứ đạo chính thức được thành lập, và chính thức chọn Thánh Giuse làm Bổn Mạng.
Từ đó, song song với công cuộc khai phá để ổn định đời sống, cha xứ và giáo dân từng bước kiến thiết nguyện đường của xứ.
Ngôi Nhà thờ thứ nhất là một căn nhà mái tôn vách ván, dài 22m, rộng 8m sau này sẽ được dùng làm trường học và hội quán. Vừa làm xong, cha Ngữ đã được điều động đi Buôn Mê Thuột lập đồ án cho các trại định cư. Cha rời xứ ngày 17-10-1955. Cùng ngày đó, cha Phêrô Nguyễn Xuân Tín về thay thế.
Ngôi Nhà thờ thứ hai được xây cất dưới thời cha Tín. Cha hô hào giáo dân vào rừng xẻ gỗ, đồng thời thuê máy về đúc gạch xi măng, để dựng nên ngôi nhà bằng cây vuông, mái tôn vách ván, nền và hè tráng xi măng. Ngôi nhà ấy nay là trường phổ thông cấp I và II xã Lộc Châu.
Chẳng bao lâu sau, cha lại phải xúc tiến xây cất ngôi Nhà thờ thứ ba (dài 30m, rộng 12m, gồm 7 gian, mái tôn tường gạch nền xi măng). Sau gần 1 năm thi công, Nhà thờ này đã được Ðức Cha Phạm Ngọc Chi về khánh thành và làm phép trọng thể vào tháng 9-1957.
Cũng thời gian này, cha mua được bộ chuông ba quả từ bên Pháp. Xứ đã đốn cây về làm gác chuông tạm, và 4 năm sau (1961) đã xây tháp bằng sắt hiện còn tới nay.
Năm 1961, cùng lúc với việc tu bổ tháp chuông, Nhà thờ được nới rộng ra thêm một gian đầu, dài 5m theo kiểu 6 mái. Trước đà gia tăng mau lẹ về con số giáo dân, cha đã nghĩ đến một Thánh đường khang trang hơn, và đã để ý mua sắm dần các vật liệu cần thiết (sắt, đá, sườn nhà phế thải). Nhưng năm 1975, vì lý do sức khỏe cha đệ đơn xin đi hưu dưỡng và ngày 4-8 cha đã bàn giao giáo xứ cho cha Dương Ngọc Châu.
Ðây là lúc ngôi nhà gỗ gần 20 tuổi đời ở vào tình trạng nguy kịch. Sau nhiều lần bàn thảo tính toán kỹ càng, cha xứ mới và ban điều hành giáo xứ đều đồng ý tu sửa gấp rút.
Ðầu năm 1976, được Tổng giám mục khích lệ, chính quyền chấp thuận và giáo dân đóng góp tích cực nhân lực, tài lực khởi sự công việc. Ðến lễ Giáng Sinh, giáo xứ đã có ngôi Thánh đường cột sắt, cửa sắt, rộng rãi khang trang, được nới rộng thành 48X 17m trên nền cũ. Tuy vậy còn nhiều nhiều công việc phải được thực hiện từng đợt và suốt nhiều năm, để cuối cùng ngôi Thánh đường mới hoàn chỉnh như ngày nay.
Bài: Sưu tầm & Biên tập