Nhà thờ Giáo xứ Cát Đàm nằm cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 3 km về phía Tây Nam. Thời Đức cha Gioan Casado Thuận và Đức cha Santos Ubierna Ninh, Cát Đàm được chọn làm trụ sở cho các Bề Trên phụ tỉnh, quen gọi là trụ sở các cha chính dòng Đaminh. Cát Đàm nằm ngay cạnh chủng viện Mỹ Đức, phía Đông Nam giáp xứ Sa Cát, phía Tây Nam giáp sông Trà Lý.
Theo sử liệu, giáo xứ Cát Đàm đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Đến năm 1822, Cố Viên được cử về phụ trách họ giáo Cát Đàm và xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ để làm nơi cầu nguyện sớm tối. Khi đó Cát Đàm còn gọi là Giáo họ Cát Trang thuộc xứ Sa Cát, nhận Thánh Vinh Sơn làm quan thầy.
Khoảng năm 1920, Nhà thờ Cát Đàm được xây dựng lại thay thế cho nhà nguyện cũ và được đại tu vào khoảng năm 1970 – 1977.
Năm 1940, Đức cha Gioan Casado Thuận nâng Cát Đàm lên hàng giáo xứ và trao cho các cha dòng Đaminh phụ trách.
Tháng 8.1973, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ đã cắt họ giáo Cát Nội thuộc xứ Sa Cát để sát nhập vào giáo xứ Cát Đàm. Giáo họ Cát Nội thành được lập năm 1830, bổn mạng Lễ Truyền Tin.
Năm 1996, cha xứ và giáo dân trong xứ đã cố gắng góp công, góp của xây dựng lại ngôi Nhà thờ mới thay thế ngôi Nhà thờ cũ. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn nên hai cây tháp còn dang dở. Mã tới năm 2012, cha xứ khi ấy là cha Giuse Lý Văn Thưởng, OP, cùng với Giáo dân trong Giáo xứ đã quyết tâm xây dựng và hoàn thiện được 2 ngọn tháp Thánh đường.
Khi dòng Đaminh chuyển trụ sở từ Bùi Chu sang Thái Bình, giáo xứ Cát Đàm được các cha dòng Đaminh coi sóc. Năm 1954, các cha Đaminh di cư vào Nam, cha Giuse Trần Trọng Hậu vừa làm giám đốc tiểu Chủng viện Mỹ Đức, vừa kiêm mục vụ Giáo xứ Cát Đàm.
Ngày 19 tháng 10 năm 2007, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã ký văn bản trao quyền quản lý và mục vụ tại giáo xứ Cát Đàm cho tỉnh dòng Đaminh Việt Nam với thời hạn 50 năm, đánh dấu sự hiện diện trở lại chính thức của anh em Đaminh tại vùng đất Cát Đàm, sau một nửa thế kỷ xa cách.
Bài: Sưu tầm & Biên tập