Năm 1645, dân làng nơi đây đã dựng lên một nhà nguyện để thờ phượng. Cha Morelli làm phép nhà nguyện đúng ngày lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thờ (02/02/1645). Vì thế, Giáo họ đã nhận lễ này làm quan thầy. Vào ngày Lễ Phục sinh cùng năm, cha Morelli lập xứ Kẻ Bái (đây là Giáo xứ đầu tiên của Thái Bình được thành lập). Cha đặt nơi đây làm Trụ Sở Truyền Giáo không chỉ cho vùng Thái Bình, nhưng còn cho các tỉnh thành lân cận, dọc theo những dòng sông. Sau nửa thế kỷ, xứ Lai Ổn đã hình thành, để thuận lợi cho công việc đi lại truyền giáo, các cha đã chuyển trụ sở về Lai Ổn.
Khoảng năm 1885, phong trào Văn Thân nổi lên với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, Nhà thờ và nhiều nhà giáo dân bị đốt phá, giáo dân bị bách hại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, Nhà thờ được tu sửa lại.
Năm 1890, biến cố xảy ra, vì nhiều lý do xứ Kẻ Bái bị hạ xuống hàng xứ tùy, thuộc xứ Lai Ổn.
Năm 1917, cha Đaminh Cao Xuân Yến đã điều hành xây ngôi Nhà thờ bề thế nguy nga Kẻ Bái.
Năm 1918, Cha Đaminh Nguyễn Quang Đỉnh cùng với giáo dân xây dựng Nhà xứ, Nhà Phước, Nhà Dục Anh và tháp chuông. Sau đó, cha đã đệ đơn xin Đức Giám mục tái lập xứ Kẻ Bái, đồng thời xin đổi tên là Giáo xứ Bồ Ngọc và đổi bổn mạng tước hiệu Mẹ Dâng Con thành tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi để các tín hữu hưởng các ơn ích của hội Văn Côi.
Năm 1928, Đức cha Phêrô Munagorri Trung, Giám mục địa phận Trung, ban Sắc chấp thuận việc tái lập xứ Kẻ Bái, đổi tên xứ Kẻ Bái thành xứ Bồ Ngọc.
Sau mấy chục năm Nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng, ngày 25/3/2006, Giáo xứ xây Thánh đường mới với chiều dài 42m, rộng 15m, cao 7m và tháp chuông cao 25m. Ngày 06/12/2007, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang chủ sự lễ khánh thành và Cung hiến Nhà thờ với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi.
Bài: Sưu tầm & Biên tập