Từ những năm đầu của thập kỷ thứ 2 thế kỷ XX, Cố Kính quản lý sở Nhà chung Xã Đoài đã bắt đầu cuộc chinh phục vùng đất này nhằm mở rộng lãnh địa lên vùng Tây bắc Nghệ An theo tiêu chí Hiến thân phục vụ vì Giáo hội của Hội thừa sai Paris, Ngài đã mạnh dạn gieo hạt giống Tin Mừng làm trổ sinh cây đức tin và khai mở một sắc thái văn minh mới nơi vùng đất sâu xa heo hút này.
Bấy giờ, người Kitô hữu thi hành bổn phận phụng tự thường phải về xứ Cồn Cả và Thuận Nghĩa, cách Đồng Lèn từ mười đến hơn ba mươi cây số. Năm 1929, giáo xứ Nghĩa Thành được thành lập, cha già Chất quản xứ, giáo dân Đồng Lèn được sinh hoạt tôn giáo chung, hưởng quyền lợi thiêng liêng với xứ mẹ. Vào tháng 10 năm 1936, khi cộng đoàn tín hữu trên trang trại Đồng Lèn đã trưởng thành đầy đủ cả về số giáo dân và không gian sinh hoạt phụng tự, thì Bề trên Giáo phận cho phép thành lập giáo xứ, do Cố Kính sáng lập, Đấng bản quyền lúc đó là Đức Cha Bắc (Andre Eloy).
Đồng Lèn hôm nay đã khác xưa, với nhiều công trình mới mọc lên. Phía trước ngôi Thánh đường mới xây là tượng đài Chúa Giêsu vua cao 4,5m, ngự giữa hồ nước hình chữ nhật rất đẹp. Bên trái nhà thờ là tượng đài Đức Mẹ Mân Côi cao 4m, bức tường bao chung quanh khuôn viên nhà thờ có chu vi hàng nghìn mét với chiều cao hơn 2m được xây kiên cố. Tất cả như đang nói lên sự quyết tâm tái thiết, khôi phục lại những cơ sở xưa mà sự thịnh vượng của nó đã tạc vào dòng lịch sử giáo phận để tiếp tục mở rộng cương giới và phạm vi hoạt động của công cuộc rao giảng Tin Mừng - sứ mệnh cốt yếu và cao cả của Giáo hội.
Bài: Sưu tầm & Biên tập