Nhà thờ giáo xứ Đá Hàn được xây dựng và khánh thành năm 1850, tước hiệu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Và đây, là ngôi nhà thờ xưa nhất còn lại ở Việt Nam một cách nguyên vẹn.
Theo truyền khẩu, năm 1848, vua Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo nên một số giáo dân của địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn ngày nay) đã rời quê hương tìm một nơi chốn bình yên để phụng sự Chúa và gìn giữ đức tin. Cuộc hành trình ngày đi, đêm nghỉ, chỉ dám đi trên những con đường mòn trong rừng rậm để tránh sự lùng bắt của triều đình. Họ đã đi nhiều nơi, dừng chân ở nhiều địa điểm, nhưng không có nơi nào ưng ý cho bằng mảnh đất vùng Ninh Quý, Phước Sơn. Thế là họ quyết định chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Từ khoảng cuối thế kỷ 19, Đá Hàn là một họ lẻ thuộc Rừng Lai (Phước Thiện). Hiện nay, trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ còn có ngôi nhà thờ cũ, có lẽ được xây dựng năm 1850. Đây là một trong những ngôi nhà thờ lâu đời còn lại trong giáo phận được xây bằng vôi và đất, dùng biểu tượng hoa sen để trang trí.
Ngôi nhà thờ có kiến trúc khá độc đáo, mang đậm nét văn hóa của người Việt: mặt trước là Thánh giá, mặt sau là búp sen và tháp Chăm, trên 3 cửa chính ra vào có các búp sen đang hé nở, các chân cột trụ trong nhà thờ đều được chạm trổ theo thứ tự dưới là hình bát giác, kế đến là đóa hoa sen nở… Có lẽ đây là ngôi nhà thờ đầu tiên trong vùng cho giáo dân sớm tối họp nhau cầu nguyện. Hiện tại ngôi nhà thờ này đã được trùng tu làm nơi kính Thánh Anrê Kim Thông, vị thánh tử đạo nơi quê cha đất tổ của giáo dân Đá Hàn. Ngày 2 tháng 5 năm 2004 cha Gioan Baotixita Phạm Hồng Thái, quản xứ Phước Thiện, đã cho khởi công xây dựng nhà thờ mới với sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần, đặc biệt Bà Theresa Ushock thuộc Hội Love of the Poor. Ngày 12 tháng 6 năm 2004, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên. Ngôi nhà thờ mới của giáo xứ như ngày nay được khánh thành ngày 20 tháng 4 năm 2005 bên cạnh ngôi nhà thờ cổ.
Bài: Sưu tầm & Biên tập