Lịch sử giáo xứ vào khoảng giữa thế kỷ XIX, năm 1828, cố Can Hằng là người ngoại giáo, quê ở xã Hậu Lộc, sống bằng nghề chài lưới, gia đình cố có 2 người con là Trần Quyền và Trần Phúc Sớn. Nhờ ơn Chúa thương, gia đình cố được trở lại Đạo và đến lập nghiệp tại xóm Trại Lau.
Sau đó 2 năm, năm Canh Dần 1830, đã có 8 thành viên mới cùng đến sinh sống với cha con cố Hằng, đó là cố Liên, cố Bắc, cố Nhạ, cố Phước, cố Tài, cố Vinh, cố Công và cố Ngại, thuộc giáo họ Ba Già, xứ Trại Lê. Hoàn cảnh lúc đó thật túng thiếu đủ bề, nhưng không vì thế mà làm giảm đi niền tin vào Đức Kitô trong họ, trái lại cuộc sống càng khó khăn thì các ngài càng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vậy tập thể giáo họ nhỏ bé đầu tiên ấy đã chung lòng, chung sức, lấy sào đáy làm cột, lá lau làm tranh, cây lau làm mầm trét đất, dựng ngồi nhà nguyện tại khu vực nghĩa địa. Giáo họ Tân Lập được ra đời trong hoàn cảnh ấy, chính các ngài đã viết nên những trang sử đầu tiên của giáo họ.
Đất lành chim đậu, đến 1864, năm Giáp Tý, Tân Lập đã có 50 hộ, với số giáo dân đã tăng lên 300 người. Dưới sự hướng đẫn của cha già Tuần quản xứ, giáo họ Tân Lập lại làm được ngôi nhà thờ bằng cột gỗ lim, lợp tranh săng, xung quanh trát đất, quét vôi trắng và đã mau chóng trở thành một họ đạo thuộc xứ Trại Lê đặt tên là họ Tân Lập, nhận quan thầy là Thánh Micae. Từ cầu Nghèn ngược dòng sông khoảng 2km người ta thấy một nghĩa địa Công giáo mới hình thành, đây là xóm cũ của giáo họ gọi là xóm Trại Lau. Xóm này cách thị trấn Nghèn 1km về Tây Bắc, phía Nam sát bờ sông Nghèn, về địa danh hành chính lúc đó thuộc xã Hồng Nam, sau thuộc về xã Thiên Lộc. Cùng với thời gian, qua bao biến đổi thăng trầm, số giáo dân Tân Lập vẫn không ngừng phát triển, ngày một tăng. Giáo dân đã di dời lên sát đường quốc lộ 1A, để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống và tôn giáo, họ đã dời nhà thờ đến địa điểm mới cho đến ngày nay.
Năm 1927, giáo dân đã dựng nên một ngôi nguyện đường bằng tre, bằng nứa để sớm tối cầu kinh nguyện ngắm. Về sau, ngôi nguyện đường bé nhỏ không thể đáp ứng vì số giáo dân ngày càng đông thêm. Do vậy năm 1942, thời cha Phêrô Trần Văn Ngôn làm quản xứ, một ngôi Thánh đường khác được dựng nên, to hơn, đẹp hơn, sau khi xây dựng nhà thờ bà con giáo dân lấy đày ráo làm một nhà mục vụ (nhà phòng). Trong quá trình tồn tại của mình, theo thời gian ngôi Thánh đường chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, được tu bổ lại nhiều lần.
Ngôi Thánh đường ngày hôm nay được manh nha từ năm 1986.
Ngày 7 tháng 8 năm 2002 toàn giáo họ cử hành thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Thánh đường.
Bgày 3 tháng 8 năm 2005 giáo phận và giáo họ đã long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành nhà thờ mới. Ngoài công trình nhà thờ, giáo họ còn có công trình Tượng đài Thánh Micae, được xây trên hồ nước uống, nằm bên trục đường chính thẳng vào mặt tiền, kế bên hồ nước là dãy nhà 3 tầng và một dãy ở khối 11 cách nhà thờ 2km về phía Tây Bắc, đều là trường học Giáo lý của giáo họ.
Bài: Sưu tầm & Biên tập