Nhà thờ Công giáo Mặc Bắc, tọa lạc tại thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, cách thành phố Trà Vinh 30 km và cách thị trấn Tiểu Cần 7 km đều theo hướng tây nam, cách bờ trái sông Hậu 3 km về hướng đông. Đây là ngôi Thánh đường có qui mô lớn nhất, niên đại cao nhất thuộc một giáo xứ Công giáo không chỉ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, mà còn là một trong những giáo xứ có đông giáo dân nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khuôn viên Nhà thờ Mặc Bắc rộng hơn 1 ha, được che mát bởi những hàng sao cổ thụ, nằm ở vị trí trung tâm con giồng đất cát cao ráo, cổng chính nhìn ra ngã ba giao nhau giữa quốc lộ 60 và con đường dẫn ra chợ và bến tàu Cầu Quan sầm uất.
Nhà thờ Mặc Bắc là một công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo nổi tiếng, là sự kết hợp phong cách kiến trúc La Mã, kiến trúc Pháp và kiến trúc truyền thống người Việt cuối thế kỷ XIX.
Vào thập niên 1860, sau khi thực dân Pháp xâm chiếm và cai trị vùng đất Nam bộ, các giáo xứ Công giáo ra hoạt động công khai và giáo xứ Mặc Bắc phát triển dần về phía trung tâm con giồng cát cao ráo, cặp sông Cần Chong, thuận tiện giao thông thủy bộ để phát triển. Chính quyền thực dân xây dựng một cầu cảng nhỏ trên bến Cần Chong để các quan đầu tỉnh người Pháp từ Trà Vinh có thể dễ dàng tới thăm viếng, xem lễ. Từ đó, địa danh Cầu Quan hình thành và giáo xứ Mặc Bắc còn có tên gọi khác là giáo xứ Cầu Quan.
Nhà thờ Mặc Bắc được khởi công sau khi Vương cung Thánh đường hay Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hoàn thành 6 năm, tức năm 1886. Bản vẽ của nhà thờ Mặc Bắc chính là bản vẽ của Nhà thờ Đức Bà, do kiến trúc sư J.Bourad thiết kế, được thu nhỏ lại theo tỷ lệ 70/100. Từ bản vẽ này, viên kỹ sư người Pháp Errard chịu trách nhiệm chung nhưng người trực tiếp chỉ huy, đôn đốc việc thi công là ông Trùm xứ Nguyễn Văn Thăng. Toàn bộ vật tư từ các vì kèo và bộ khung mái bằng thép, xi măng, ngói, kính màu, gạch xây, gạch lót nền, bộ chuông đồng 6 âm (đô, rê, si, pha, sol, la)… đều được sản xuất tại Pháp vận chuyển bằng tàu thủy sang. Tuy nhiên điều đặc biệt hơn cả là đội ngũ thi công Nhà thờ đều là người Việt. Điều này cho thấy trình độ sản xuất, tay nghề của người Trà Vinh thời bấy giờ rất cao, có thể đáp ứng được công trình của thế kỉ như vậy.
Khi thiết kế mái ngói, kiến trúc sư J.Bourad đã thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa kiểu mái ngói cung đình Việt với mái ngói Nhà thờ phương Tây.
Trên tường phía dưới và trên cao của Nhà thờ Mặc Bắc có các cửa sổ được lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật bằng kính màu, có nội dung diễn tả các vị Thánh và sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng cũng xen kẽ rất nhiều họa tiết và hình tượng phương Đông. Hệ thống kính màu được thiết kế rất đặc sắc và phối sáng hài hòa, tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời. Trong lòng Nhà thờ, một làn ánh sáng nhẹ nhàng, tạo bầu không khí trang nghiêm, an bình... Ánh sáng huyền ảo cũng làm cho các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong Thánh đường nổi bật và đẹp hơn.
Bàn thờ phía cung Thánh trong Nhà thờ Mặc Bắc được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối với các thiên thần được tạc trên khối đá bàn thờ. Bệ đỡ bàn thờ cũng là tác phẩm điêu khắc mỹ thuật tuyệt đẹp diễn tả các sự kiện trong Kinh Thánh.
Ánh sáng từ những chiếc đèn chùm được thiết kế với những hoa văn theo kiểu Roman - Gotich tạo nên một không gian lung linh, trang trọng và thánh thiện.
Phía trước mặt tiền là một sảnh lộ thiên có chiều dài bằng với chiều ngang của ngôi Nhà thờ, cao 1,2 m hơi thấp hơn nền nhà thờ một chút, rộng 4 m. Đây là nơi diễn ra các nghi thức ngoài trời trong những dịp thánh lễ.
Cách một khoảng sân phía trước là hồ nước hình vuông có diện tích hơn 150 m2 vừa tạo cảnh nông thôn Việt Nam vừa giúp cho giáo dân từ các thôn xóm, băng đồng đi bộ đến rửa chân tay sạch sẽ trước khi vào Nhà thờ dự lễ.
Nhà xứ là một kiến trúc hai tầng, với cầu thang gỗ, sàn lầu gỗ được xây dựng phía đông ngôi Thánh đường, dành làm nơi ở cho các vị linh mục, thầy giúp việc và là nơi hội họp của ban quới chức giáo xứ.
Lễ Phục sinh năm 1888, sau hơn 2 năm thi công, Nhà thờ Mặc Bắc được khánh thành với diện tích 24 m x 60 m và hai tháp chuông cao 32 m được. Đây là nhà thờ Công giáo lớn thứ hai Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, chỉ sau Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nên được mệnh danh là “Vương cung Thánh đường miền Tây Nam bộ”.
Nhà thờ Mặc Bắc là kiến trúc cổ nhất vẫn còn tồn tại trên địa bàn Trà Vinh và được đánh giá là Nhà thờ đẹp, cổ kính bậc nhất Miền Tây. Sau hơn 130 năm, theo thời gian Nhà thờ Mặc Bắc cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ như thiết kế ban đầu. Hồ nước đã được san lấp để tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ và tạo thêm diện tích phần sân trước cho các hoạt động khác. Một số hạng mục được xây dựng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của một giáo xứ có lịch sử hình thành, phát triển lâu dài nhưng vẫn giữ được hài hòa trong cảnh quan chung.
Mặc Bắc vẫn vững vàng,thu hút như thuở ban đầu và xứng đáng với cái tên Vương cung Thánh đường miền Tây Nam Bộ.
Bài: Sưu tầm & biên tập