Nhà thờ Mằng Lăng là nằm trên địa phận xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc. Đây là Nhà thờ thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên, một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Với lịch sử gần 130 năm (xây dựng năm 1892), Nhà thờ Mằng Lăng được coi Nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những Nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên - Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, Ý và đang lưu trữ tại đây.
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 5.000 m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai tháp chuông, chính giữa là cây Thánh giá. Mặt tiền là những lối vào hình mái vòm, các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ. Không chỉ mang phong cách kiến trúc xuất xứ châu Âu, nhà thờ Mằng Lăng còn có những họa tiết chạm trổ tinh xảo, toát lên chất mộc mạc văn hóa Việt trên những cánh cửa chính bằng gỗ.Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn, cây lá.
Nhà thờ nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát rợp cây xanh. Tước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có "Phép giảng tám ngày" và nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên (1625-1644), là một trong những vị quan thầy của giáo lý viên và giới trẻ Công giáo thế giới.
“Phép giảng 8 ngày” (tựa Latinh: “Catechismus”) là tên của cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột do tác giả Alexandre de Rhodes soạn. Trên cuốn sách vẫn còn rất rõ dòng chữ ghi tên tác giả là Alexandre de Rhodes. Cuốn sách được in tại Roma năm 1651, được Tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Nếu mang bất kỳ trang sách nào soi dưới ánh đèn có thể thấy dấu vân riêng hiện ra giống như trên tờ giấy bạc là bằng chứng cho việc đây là ấn bản chính thức do Thánh bộ Truyền bá Đức tin tài trợ và chủ trì việc in ấn và vẫn còn lưu lại đến ngày nay.
“Phép giảng 8 ngày” là cuốn giáo lý được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ Quốc ngữ sơ khai (bên phải). Có rất nhiều điều thú vị khi quan sát những âm ngữ đầu tiên của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách này. Ví dụ: để ghi từ “sách”, người ta viết sayc, để ghi từ “nước mặn”, người ta viết nuocman, để ghi từ “ông nghè”, người ta viết ungue, ungué, ungné, ounghe, oungueh... Hay người ta viết ũ để ghi vần ung (ví dụ cũ = cung), viết oũ để ghi vần ông (ví dụ soũ = sông).
Được biết sau này năm 1838, một cuốn từ điển mới, đối chiếu hai thứ tiếng Việt - Latinh, Latinh - Việt có ghi thêm chữ Nôm bên cạnh chữ Quốc ngữ, được gọi là “Nam Việt dương Hiệp tự vị” (Dictionarium anamitico latinum) do Giám mục Taberd biên soạn đã được xuất bản ở Serampur - Ấn Độ.
Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, chữ Quốc ngữ trong cuốn từ điển này đã có dạng thức như chữ Quốc ngữ ngày nay. Và cùng tác giả với “Phép giảng tám ngày”, cuốn tự điển Việt - Bồ - La do Alexandre de Rhodes soạn cũng được xuất bản và phát hành trong cùng thời điểm. Nhưng tiếc là bản chính của cuốn tự điển này đã không thể tìm thấy mà chỉ có bản in lại.
Là một nhà truyền giáo dòng Tên, nhưng linh mục Alexandre de Rhodes (1591- 1660) còn là một nhà ngôn ngữ học. Vì thế, có thể thấy trong quãng thời gian dài sống ở Việt Nam, linh mục Alexandre de Rhodes đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ Quốc ngữ Việt Nam thông qua hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh, dù rằng mục tiêu ban đầu để phục vụ cho công cuộc truyền giáo cho người bản xứ. Nhưng với sức sống tự thân riêng mình, cùng với việc chung sức cải tiến của nhiều thế hệ người dùng, chữ Quốc ngữ đã tồn tại và phát triển đến ngày nay và trở thành chữ Quốc ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam.
Nói về công cuộc khai sinh và truyền bá chữ Quốc ngữ của linh mục Alexandre de Rhodes, tờ nguyệt san Missi do các linh mục dòng Tên chủ trương đã khẳng định: “Khi soạn cho Việt Nam các mẫu tự La tinh, linh mục Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ”. Ngày nay, để tưởng nhớ công lao của linh mục Alexandre de Rhodes trong việc khai sinh chữ Quốc ngữ, hiện nay ở TP Hồ Chí Minh, người ta đã lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ngay trung tâm thành phố.
So với nhiều Nhà thờ cổ nổi tiếng khác ở Việt Nam, Nhà thờ Mằng Lăng không lớn và thiết kế bên trong cũng đơn giản hơn, nhưng sự cầu kỳ trong trang trí mỹ thuật là yếu tố ít Nhà thờ nào khác sánh bằng. Đối với người Công giáo Việt Nam, Nhà thờ Mằng Lăng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên và thánh lễ cầu cho giới trẻ Công giáo.
Theo các bậc cao niên ở An Thạch, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi Nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này. Thực tế, trong Nhà thờ ngày nay còn giữ một bàn gỗ mặt tròn làm bằng gỗ mằng lăng từ thuở vừa xây dựng, có đường kính đến 1,7m
Nhà thờ Mằng Lăng đang lưu trữ một tài liệu vô giá và là chứng nhân lịch sử của chữ Quốc ngữ, cùng với vẻ đẹp của ngôi Thánh đường hơn trăm năm tuổi đang là điểm đến thu hút khu du lịch khắp thập phương đến với Phú Yên.
Bài: Sưu tầm & Biên tập