Nhà thờ Chính tòa Xà Sơn được đặt tên theo ngọn đồi cao 328 feet (100 mét) tại huyện Songjiang, phía tây thành phố Thượng Hải. Đây là ngôi Thánh đường lớn nhất ở miền đông châu Á và có thời là nơi hành hương của các giáo hữu Á châu.
Tên chính thức của giáo đường này là Nhà thờ Đức Mẹ Trung Quốc và được dâng kính Đức Mẹ phù hộ các Kitô hữu. Ngôi Thánh đường đầu tiên trên đồi Xà sơn được xây cất năm 1863. Trong thời Thái bình thiên quốc, các thừa sai Dòng Tên mua được miếng đất ở sườn phía nam ngọn đồi, nơi này có một tu viện Phật giáo đã đổ nát. Các thừa sai xây ở đây một cơ sở làm chỗ ở và một ngôi nhà nguyện nhỏ. Trên đỉnh đồi các ngài dựng một chòi nhỏ để đặt tượng Đức Mẹ.
Tháng 6 năm 1870, tình hình bất ổn tại Tianjing dẫn đến việc thiêu hủy các Thánh đường tại đó, các linh mục Dòng Tên tại Thượng Hải cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ này và cam kết sẽ xây một Thánh đường để tạ ơn sự che chở của Người. Tiếp theo sau đó, công trình xây cất bắt đầu. Gỗ được chở từ Thượng Hải đến, còn đá mang từ Fujian. Mọi vật liệu phải chuyển lên đỉnh đồi bằng tay. Thánh đường hoàn tất hai năm sau. Thánh đường đầu tiên này có hình Thánh giá, kết hợp hai lối kiến trúc Trung Quốc và Tây phương. Một hàng hiên rộng có 10 cột đặt ở bên ngoài cửa chính. Trước Thánh đường là 10 con sư tử bằng đá. Năm 1894, xây thêm, gồm có một nhà nguyện ở lưng chừng đồi, một đền thành kính Thánh tâm Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Dọc theo nhà thờ có 14 chặng đường Thánh giá.
Năm 1925, ngôi nhà thờ này được cho là không còn thích hợp, kém xa các Nhà thờ khác tại Thượng Hải về quy mô và bài trí. Do đó Nhà thờ được phá hủy để xây cất lại. Vị linh mục người Bồ Đào Nha và vị kiến trúc sư là những người rất nghiêm khắc về tính chất của công trình kiến trúc, nên dự án này phải mất 10 năm mới hoàn thành và Thánh đường được xây xong năm 1935.
Năm 1942, Đức giáo hoàng Pio XII đặt Nhà thờ Chính tòa Xà Sơn là một tiểu Vương cung Thánh đường (minor Basilica). Năm 1946, Tòa thánh đặt tượng Đức Mẹ Zose (Zose là cách phát âm She Shan của người dân Thượng Hải.
Nhà thờ Chính tòa Xà Sơn bị thiệt hại nặng trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc năm 1949. Các cửa sổ ghép kiếng mầu nơi Thánh đường, các tượng dọc theo Chặng đường Thánh giá (Via Dolorosa), ngôi tượng đặt trên nóc tháp chuông, và nhiều tượng ảnh khác bị hủy hoại.
Sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc, các hư hại dần dần được sửa chữa. Chỗ đặt pho tượng lúc đầu được thay thế bằng một cây Thánh giá, mãi đến năm 2000 mới đặt tượng khác thế vào.
Nhà thờ chiếm diện tích 1 hecta, cao 70 feet (20 mét), có hình chữ nhật theo kiểu thánh giá Latinh, xây theo lối Vương cung Thánh đường thời cổ. Cửa chính đặt tại hướng tây nam, các lối vào khác ở các hướng bắc, tây và nam. Lòng Nhà thờ dài 55.81 mét, rộng 24.68 mét, trần cao 16.46 mét, có đủ chỗ cho 3000 người ngồi. Bàn thờ đặt ở cuối phía đông, bằng đá cẩm thạch có viền vàng và có hình trang trí bằng ngọc bích. Phía ngoài Nhà thờ phần chính bằng đá granite, và một phần mái lợp bằng ngói màu láng kiểu Trung quốc.
Đường lên đồi dẫn đến Nhà thờ, ở mỗi cuối chặng ngòng ngoèo lại đặt một đàng trong mười bốn đàng Thánh giá. Ở lưng chừng đồi, nơi có khoảng trống vuông vức, là hai ngôi đền Thánh, một kính Trái tim Chúa, một kính Đức Mẹ.
Gần đó có Trạm Xà sơn thuộc Đài Thiên văn Thượng Hải. Đài này nguyên thủy do các thừa sai Dòng Tên xây dựng.
Năm 1874 Đức giáo hoàng Piô IX ban ơn toàn xá cho các khách hành hương đến viếng Xà Sơn vào mỗi tháng 5 (tháng kính Đức Mẹ). Do đó, vào ngày 24.05, có hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo từ nhiều tỉnh của Trung Quốc và cả ở hải ngoại hành hương đến đây để kính viếng Đức Mẹ.
Bài: Sưu tầm & Biên soạn