Nhà thờ Đức Bà Amiens (Notre-Dame d'Amiens) là Nhà thờ chính tòa của giáo phận Amiens, nằm cách thủ đô Paris khoảng 140 cây số, thành phố Amiens là thủ phủ của vùng Picardie, nay đã được sát nhập vào vùng Hauts de France thuộc miền Bắc nước Pháp.
Việc xây dựng Nhà thờ Đức Bà Amiens xuất phát từ một tai nạn. Cách đây hơn 8 thế kỷ, vào năm 1220 (sau Nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris khoảng nửa thế kỷ) giám mục Évrard de Fouilloy đã quyết định xây dựng lại Nhà thờ chính tòa Amiens, sau khi một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi Thánh đường cũ với lối kiến trúc roman. Công trình xây dựng (dựa theo sơ đồ ban đầu của Viollet de Duc) đã được giao cho kiến trúc sư Robert de Luzarches, nhưng sau ông, đã có thêm hai bậc thầy khác chuyên về lối kiến trúc gothic là Thomas và Renaud de Cormont đã thay phiên nhau điều khiển một trong những dự án quan trọng nhất phương Tây vào thời Trung Cổ. Trong vòng chưa đầy 70 năm, nhóm kiến trúc sư này đã vượt qua được nhiều trở ngại để cho ra đời một trong những công trình hài hòa và hoàn thiện nhất (theo quan điểm thẩm mỹ của giới chuyên gia) vào thế kỷ thứ 13.
Gian giữa Nhà thờ được hoàn thành năm 1236. Các ngọn tháp và hành lang thì được hoàn thành năm 1243. Đỉnh tháp cao nhất của Nhà thờ mãi đến năm 1528 mới khánh thành.
Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc hình Thánh giá có chiều dài bên ngoài 145 mét, bên trong là 133,5 mét. Gian giữa Nhà thờ rộng 14,6 mét còn cánh ngang rộng 70 mét. Nhà thờ có mái vòm cao 42,30 mét và đỉnh tháp cao tới 112,70 mét. Diện tích mặt sàn của Nhà thờ lên tới là 7.700 mét vuông, hai tháp nhọn cao tạo điểm nhấn khác biệt cho Nhà thờ so với nhiều Nhà thờ khác.
Các cửa vào ở hành lang được điêu khắc rất công phu với các bức tượng thể hiện các câu chuyện trong Kinh Thánh.
Hai ngọn tháp cao phía bên ngoài tạo nên cá tính, nét riêng cho Nhà thờ. Mặc dù được xây dựng đối xứng, tưởng như là ý tưởng từ đầu nhưng thực tế hai ngọn tháp này được xây dựng cách nhau những gần 400 năm.
Đỉnh tháp nhọn phía Nam cao 10 mét được xây dựng vào thế kỷ thứ XII. Đỉnh tháp có hình bát giác, theo sử liệu đỉnh tháp có hình bát giác là bởi đỉnh tháp được thiết kế dựa theo kiến trúc bên dưới vốn là một tòa tháp vuông.
Trong khi đó đỉnh tháp nhọn phía Bắc được xây dựng vào năm 1507, hoàn thành năm 1528 lại thể hiện một sự hoa mỹ tráng lệ theo phong cách tối giản, mộc mạc, trái ngược hoàn toàn với phong cách đỉnh tháp phía Nam.
Nhà thờ Đức Bà Amiens được công nhận từ thế kỷ 19 là một trong 10 "kỳ quan" của nghệ thuật kiến trúc gothic trên thế giới, Notre-Dame d'Amiens tuy đến sau nhưng lại sánh ngang hàng với nhiều nhà thờ lớn khác ở Paris (1163), Chartres (1145), Bourges (1195), Beauvais (1225) và đáng ghi nhớ nhất vẫn là Nhà thờ Đức Bà Reims (1211), nơi cử hành lễ đăng quang của hơn 30 vị vua trong lịch sử nước Pháp. Nhà thờ Đức Bà Amiens đã được xây theo mô hình "thánh giá". Gian giữa và chính điện tiêu biểu cho phong cách gothic "cổ điển", còn gian ngang lại đậm nét gothic tỏa sáng "lộng lẫy", các kính màu hình hoa hồng thì đến muộn hơn theo phong cách gothic "rực rỡ". Vòm nhà thờ có chiều cao tới 42 mét, còn chiều dài tổng thể lên tới 145 mét, Nhà thờ Đức Bà Amiens được xem là Thánh đường cao nhất nước Pháp, gấp đôi so với Nhà thờ Đức Bà Paris.
Trong vòng tám thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Amiens là trái tim sống theo muôn nhịp đập của thành phố, là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như lễ cưới của vua Charles đệ lục và hoàng hậu Isabeau de Bavière vào năm 1385, lễ kỷ niệm chiến thắng của vua Henri đệ tứ vào năm 1597, sau khi nhà vua đánh bại quân đội hoàng gia Tây Ban Nha để chinh phục lại thành phố Amiens. Nhà thờ Đức Bà Amiens cũng đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, kể cả hai cuộc thế chiến, được các lực lượng đồng minh giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã. Gần như toàn bộ Thánh đường Amiens đều nguyên vẹn trong hai cuộc thế chiến trong khi thành phố bị đổ nát dưới bom đạn, như thể Nhà thờ được phù hộ bởi phép lạ của Đức Mẹ đồng trinh.
Được xếp vào hàng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1862, Nhà thờ Đức Bà Amiens sau đó đã được cộng đồng quốc tế công nhận hai lần. Lần đầu tiên là vào năm 1981 khi trở thành di sản văn hóa của nhân loại trên danh sách của tổ chức Unesco. Lần thứ hai là vào năm 1998, nhà thờ Đức Bà Amiens vào thời ấy được công nhận là một trong những chặng đường quan trọng trên lộ trình hành hương đến Saint-Jacques de Compostelle (Tây Ban Nha).
Ngoài lối kiến trúc được xem là nguyên mẫu của nghệ thuật gothic trong cả hai giai đoạn “cổ điển” và “lộng lẫy”, Nhà thờ Đức Bà Amiens còn có nhiều bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật quý hiếm. Ngoài các bảo vật như Thánh tích của Jean Baptiste, được giới mộ đạo từ xa đến chiêm ngưỡng, tôn sùng trong những dịp lễ lớn, Nhà thờ còn nổi tiếng nhờ bộ tranh khắc gỗ với hơn 4.000 hình tượng khác biệt đủ loại, như thể giới nghệ nhân thời xưa muốn dựng lại các đoạn Kinh Thánh trong một bộ truyện tranh khổng lồ.
Nhà thờ Đức Bà Amiens còn được biết đến nhờ bức tượng "Thiên thần nhỏ lệ" (L'ange pleureur). Được nhà điêu khắc Nicolas Blasset thực hiện vào năm 1636, bức tượng này là nhằm để vinh danh công lao của tất cả những ai chuyên chăm sóc trẻ mồ côi. Bức tượng sau đó trở nên nổi tiếng trong thời thế chiến thứ nhất khi lính đồng minh đến từ các nước trong Khối thịnh vượng chung, mua quà lưu niệm cho người thân, hay là họ gửi cho gia đình tấm bưu thiếp có vẽ hình vị Thiên thần nhỏ bé đang khóc.
Tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất vẫn là bức tượng Đức Mẹ "vàng son" (La Vierge dorée) cao gần hai thước rưỡi nằm ở cổng chính Nhà thờ. Nhìn từ xa, tượng đá trắng ngà như thể được khoác một lớp áo mạ vàng. Giới khoa học đã khám phá ra rằng tượng tạc hình Đức Mẹ cũng như tất các các pho tượng Thánh, khi xưa thật ra có đầy đủ các màu sắc từ trang phục, nét mặt cho đến màu tóc. Các nghệ nhân thời xưa vẽ đến 26 lớp màu khác nhau cho mỗi pho tượng. Với thời gian, màu sắc nguyên thủy đều đã nhạt phai.
Chính cũng vì thế cách đây hơn 20 năm, ban điều hành Nhà thờ Đức Bà Amiens đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục, Nhà thờ này trở thành nơi thờ phụng đầu tiên sử dụng công nghệ ánh sáng laser để tái tạo muôn màu sắc. Có thể nói là Nhà thờ Đức Bà Amiens đã mở đường cho phong trào dùng kỹ thuật hiện đại nhằm đề cao giá trị của di sản kiến trúc. Sau đó, hầu hết các Nhà thờ lớn ở Pháp đều lấy lại ý tưởng này qua việc kết hợp âm thanh và hình ảnh, đưa vào kỷ nguyên mới những nóc Thánh đường đã hàng trăm năm tuổi. Khi màn đêm buông xuống, Nhà thờ Đức bà Amiens lại được chiếu sáng như thể thắp lên muôn ánh lung linh diệu huyền, như đâu đây lời cầu nguyện, hy vọng dâng lên Chúa và Đức Mẹ từ những mùa Giáng Sinh êm đềm ngân vọng về.
Nhà thờ Đức Bà Amiens được xem là Nhà thờ lớn nhất nước Pháp và là một trong những công trình kiểu Gothic đẹp nhất của Pháp. Năm 1981, nhà thờ đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.
Bài: Sưu tầm & biên tập