Strasbourg miền Alsace, Pháp là một thị trấn được người La Mã xây từ năm 15 trước Công nguyên. Nhà thờ đầu tiên của thị trấn đã có từ thế kỷ thứ IV, nhưng hiện không còn để lại dấu tích. Sau đó, thêm một vài Nhà thờ khác được xây trên nền cũ. Nhưng tất cả đều lần lượt bị phá huỷ, hoặc do chiến tranh, hoặc do hoả hoạn.
Thánh đường Strasbourg hiện nay được xây từ năm 1180. Công việc kéo dài suốt nhiều thế kỷ: vừa sửa chữa, vừa tu bổ, vừa xây mới. So với các Thánh đường lớn khác ở Pháp, Thánh đường Strasbourg còn giữ lại được một số chi tiết kiểu Roman, trong đó nổi bật nhất là khu hầm mộ.
Thánh đường gồm một sảnh chính với các gian bên, một cánh ngang hình bán nguyệt, một gian điện trùng với chỗ giao nhau giữa sảnh chính và cánh ngang, một hậu cung được vây bọc bởi hai nhà nguyện hình chữ nhật.
Được xây trên nền đã có từ năm 1015, sảnh chính có một chiều rộng phi thường, rộng hơn 30m, tính cả hai gian bên, mỗi gian 8m, còn chiều cao là 32m, nếu tính cả phần tháp nhọn thì cao đến 142m. Sảnh chính có cả thảy 7 gian. Đây chính là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1647 đến năm 1874 (227 năm) và đứng hàng thứ nhì tại Pháp sau Nhà thờ Đức Bà thành phố Rouen được hoàn tất vào năm 1876. Ngày nay, nơi đây là Nhà thờ cao thứ sáu trên thế giới và là cấu trúc tồn tại cao nhất được xây dựng hoàn toàn vào thời Trung Cổ.
Trong lúc sảnh chính được thiết kế hoàn toàn theo kiểu Gotique, thì khu hầm mộ lại vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc Roman.
Phần kiến trúc bên ngoài đáng để ý nhất là mặt phía Tây, được xây trong khoảng thời gian suốt từ một thế kỉ rưỡi – từ năm 1273 đến năm 1439.
Mặt Tây biểu thị một xu hướng vươn lên thật cao theo chiều thẳng đứng. Xu hướng này càng trở nên rõ hơn bởi chiều cao quá mức của phần tháp nhọn – đến 142m. Để gia cố phần tháo, người ta phải xây đến 6 cột tường ốp.
Mặt Tây gồm các phần chính sau: tầng trệt với 3 cổng, tầng thứ nhất có một mô típ chính theo quy định chung – một bông hồng nằm dưới một dãy hành lang được dựng lên bằng các tượng thánh tông đồ. Tầng thứ hai là tầng các tháp. Dãy tường của tháp được đục thủng thành các cửa sổ dài và được nối với nhau bằng các khoảng tường được trang trí nhiều phù điêu.
Đầu thế kỉ XV, một nhà kiến trúc đã xây trên mặt tháp phía bắc một ngọn tháp hình bát giác, và đến giữa thế kỉ XV người ta dựng lên trên đó một tháp mũi tên. Tuy đây là một công trình tuyệt tác, rất có giá trị về mặt thẩm mĩ, phần thêm thắt này dễ tạo ra một cảm giác mất cân bằng, nếu người ta quan sát thành đường từ mặt phía tây.
Mặc dù bị huỷ hoại nhiều trong thời kì Cách mạng, mặt Tây vẫn còn là phần kiến trúc giàu nhất về tượng, trong đó có bộ tượng rất nổi tiếng: các Nữ thánh thiện đang cầm lao đe doạ những kẻ xấu nằm mọp dưới chân họ.
Thánh đường Strasbourg còn giữ lại những bộ tranh kính rất đẹp, dù một số đã bị phá huỷ trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870- 1871: bộ tranh các vua ở cửa sổ gian bên phía bắc, bộ các bông hồng ở cánh Nam, ở sảnh chính… Trong đo, bộ 14 gian tấm thảm đẹt trong thế kỉ XVII được dùng để trang trí cho các dãy cuốn của sảnh chính với chủ đề xoay quanh cuộc đời và cuộc sống vinh quang của Đức Mẹ Đồng Trinh.
Ngoài những tuyệt tác về kiến trúc, hội họa Nhà thờ Strasbourg còn có một tuyệt phẩm về công nghệ mà cho đến tận ngày nay vẫn là một đỉnh cao của khoa học kỹ thuật. Đó là chiếc đồng hồ thiên văn thuộc loại có một không hai trên thế giới. Chiếc đồng hồ này cao hơn 10 m, chia thành năm tầng, nhìn vào có thể hình dung ra tổ tiên của chiếc đồng hồ quả lắc ngày hôm nay. Bên dưới là một mặt đồng hồ to chỉ vị trí Trái đất theo mỗi ngày trong năm, hai bên là một bộ máy tính toán được lắp ráp công phu với hàng trăm chi tiết bánh răng khác nhau để tính những ngày lễ thánh trong năm (thường tính theo thứ trong tuần và do đó đổi ngày hàng năm), và một bộ máy khác cũng khá công phu để tính toán thời gian theo mặt trời và mặt trăng.
Ngoài những mặt đồng hồ khác để xác định thời gian thiên văn như cung hoàng đạo, vị trí các hành tinh trong vũ trụ, thì điểm đặc sắc của đồng hồ thiên văn này là bộ người máy vận động theo thời gian. Ngồi bên chiếc đồng hồ đếm phút trên đỉnh tầng 1 là hai thiên thần nhỏ, một vị gõ chuông và một vị quay đồng hồ cát mỗi 15 phút một lần, theo giờ cổ của Strasbourg. Ở tầng 4 có một vị thần chết đứng ngay giữa và một vòng quay gồm bốn người đại diện cho bốn lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến già; ứng với mỗi lần xoay đồng hồ cát là một lượt người lướt qua, sau mỗi chu kì một tiếng đồng hồ thì vòng đời lặp lại. Một cuộc diễu hành vòng quanh lưỡi hái thần chết. Tầng năm có tượng Đức Chúa giang tay chào và một vòng 12 vị thầy tu, cứ đến giữa trưa (12h30 theo giờ hiện đại) sau khi cụ già lướt qua tay thần chết, cậu bé con xuất hiện chờ ở tầng 4, thì cũng là lúc cả đoàn 12 vị thầy tu diễu hành qua trước mặt Đức Chúa. Mỗi người đến trước mặt thì Đức Chúa hạ tay xuống đầu ban phước lành rồi đưa lên cho họ qua. Ở góc trên bên phải có một chú gà, khi các vị thầy tu thứ tư, thứ tám và thứ mười hai được ban phước lành, nó lại vỗ cánh ba cái và gáy ba tiếng “ò... ó... o...”. Cảnh tượng này chỉ diễn ra một lần trong ngày và rất đông du khách xếp hàng vào chờ từ trước 12h, xem một bộ phim giới thiệu trước khi chứng kiến thời khắc phước lành ban xuống trần gian.
Ra đời ở Pháp, nghệ thuật kiến trúc Gotique đã tác động mạnh đến toàn thể châu Âu. Các kiến trúc sư Pháp được khắp nơi mời gọi. Nhưng điều đáng nói là họ biết dựng lên các trường phái nghệ thuật kiến trúc Gotique khác nhau bằng cách vận dụng ý tưởng nghệ thuật Pháp để tìm ra một công thức riêng, phù hợp với quan điểm nghệ thuật sở tại, nghĩa là ở mỗi nước, nghệ thuật Gotique đều tìm cách thích ứng với truyền thống và phong cách tại chỗ. Nhờ đó, các kiến trúc sư Pháp đã tạo ra nhiều công trình Gotique tuyệt đẹp mang đậm dấu ấn địa phương như Nhà thờ Đức Bà Strasbourg.
Nhà thờ Strasbourg được coi là hạt nhân của quần thể kiến trúc phố cổ Strasbourg. Công trình đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và trở thành điểm đến hấp dẫn, hàng năm thu hút hơn bốn triệu rưỡi du khách và chỉ xếp sau Nhà thờ Đức Bà Paris.
Bài: Sưu tầm & biên tập.