“Người ta thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng nhiều cách nhưng để phụng sự, tôn vinh Chúa thì bằng cách nào cũng không thể thiếu vắng được việc làm bằng cả trái tim”.
Đó là những gì cụ Justo Gallego Martinez, một cựu tu sỹ đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình để tuyên xưng với thế giới về tình yêu và sự phụng sự mà ông, một con người nhỏ bé nhưng lại có tình yêu vĩ đại với Thiên Chúa.
Ngày 28 tháng 11 vừa qua, con người nhỏ bé với trái tim yêu Chúa vĩ đại đã được Chúa cất về. Câu chuyện của cụ Justo Gallego Martinez là một kỳ tích của thế kỷ 21.
Cách thủ đô Madrid của Tây Ban Nha khoảng 20 km về hướng bắc, tại thị trấn nhỏ Mejorada del Campo, luôn có một cụ ông gầy gò ngày ngày cần mẫn hoàn tất công trình của đời mình: một Nhà thờ hoành tráng mang tên Nuestra Seíora del Pilar. Có thể nói, châu Âu là vùng đất của các Nhà thờ. Có hàng trăm giáo đường tuyệt đẹp và đầy vẻ nguy nga lộng lẫy trải khắp lục địa này. Thế nhưng, rất nhiều du khách vẫn tìm về Mejorada del Campo để thưởng lãm một Nhà thờ vẫn chưa hoàn tất sau hơn nửa thế kỷ, được xây bằng vật liệu bỏ đi và không hề dựa trên bản vẽ nào? Người duy nhất đứng ra xây dựng công trình đồ sộ này là cụ ông Justo Gallego Martinez, thường được gọi là Don Justo, 96 tuổi. Một người, được cho là Đôn Ki-hô-tê thời hiện đại với đầy sự ngưỡng mộ bởi lòng kiên cường, sự bền bỉ và can đảm sống với đức tin của mình cho đến hết cuộc đời của cụ.
Cụ Justo Gallego Martinez sinh ngày 20 tháng 9 năm 1925. Mẹ của cụ là một tín hữu Công giáo mẫu mực, và do vậy tạo ảnh hưởng không nhỏ cho người con từ thuở nhỏ. Khi được 10 tuổi, Martinez chứng kiến tận mắt mức độ kinh hoàng của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và chiến tranh cũng khiến những đứa trẻ thời đó không được đến trường. Martinez quyết định dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và gia nhập dòng Xi-tô vào thập niên 1950. Tu sĩ trẻ tuổi dồn sức lực vào công cuộc tu tập, tích cực nhịn ăn và làm việc hăng say. Tuy nhiên, sau 8 năm trong Đan viện và ngay trước khi được thụ phong linh mục, Martinez bị bệnh lao nên không thể tiếp tục con đường đã chọn.
Sau khi rời dòng tu, Martinez vẫn tiếp tục cầu nguyện với Đức Mẹ Pilar, chiêm nghiệm và cuối cùng đã nghĩ ra được một kế hoạch phụng sự Thiên Chúa. Ông quyết định tự tay xây một Nhà thờ, hay nói chính xác là Thánh đường lớn. Martinez, giờ gọi là Don Justo, không phải là kiến trúc sư và chẳng có kinh nghiệm gì về kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên, điều này chẳng gây ảnh hưởng gì đối với kế hoạch lớn lao mà Don Justo quyết tâm phải thực hiện. Ông bắt đầu đọc sách, xem ảnh chụp các Thánh đường và những tòa nhà nổi tiếng khác. Vào ngày 12 tháng 10 năm 1961, công trình đã được khởi công trên mảnh đất do cha mẹ của ông để lại. Toàn bộ công trình được xây một cách tự phát và không hề có bản vẽ chính thức. Trước tiên, Don Justo cứ san bằng mảnh đất và công trình theo thời gian cứ tượng hình tùy theo cơ hội từ bên ngoài và niềm cảm hứng của chính “công trình sư”.
Kích thước bên ngoài của tòa nhà chính là 20 x 50m, và nó được xây dựng trên diện tích khoảng 86.000m2 khuôn viên. Thiết kế chủ đạo được lấy từ Nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican, thêm một ít “cảm hứng” kiến trúc từ Nhà Trắng của Mỹ và nhiều lâu đài cũng như Nhà thờ ở Tây Ban Nha. Bên dưới tòa nhà chính là một hầm mộ, sát bên là các nhà nguyện nhỏ, hành lang, nơi ở và một thư viện. Mái vòm của cấu trúc trung tâm (dựa theo kiến trúc Nhà thờ Thánh Phêrô) cao 40m và đường kính khoảng 12m. Hầu hết các vật liệu và công cụ xây dựng đều được tái sử dụng, bao gồm mọi vật dụng thường ngày, thậm chí cả báo cũ, và các vật liệu xây dựng thừa do những công ty xây dựng quyên góp, còn gạch đến từ một nhà máy gạch gần đó. Những cây cột được đúc từ các thùng đựng dầu cũ. Toàn bộ công trình được tiến hành mà không có bất cứ cần trục nào.
Khi đã ở ngoài tuổi 90, vị cựu tu sĩ vẫn bắt đầu công việc lúc 6 giờ và làm việc 10 tiếng một ngày, trừ Chúa nhật, là thời điểm cụ tham dự Thánh lễ ở Nhà thờ địa phương. Trong hầu hết thời gian, Don Justo làm việc một mình trong gần 20 năm, sau đó cụ được một người địa phương tên Angel Lopez Sanchez hỗ trợ. Một số phần như mái vòm cần nhiều bàn tay góp sức hơn, thế là 6 cháu trai của cụ đã đến hỗ trợ dựng xà nhà. Thỉnh thoảng một số người tốt bụng cũng tạt ngang giúp đỡ những chuyện lặt vặt. Khi cần thiết, cụ đến hỏi ý kiến của chuyên gia bằng tiền túi của mình. Sau này, một kỹ sư cũng đến cho lời khuyên miễn phí. Đa số chi phí được lấy từ tiền bán đất và cho thuê đất nông nghiệp thừa hưởng từ cha mẹ, trong khi phần còn lại do các nhà hảo tâm và du khách quyên tặng. Bản thân cụ Don Justo không có nhà cửa, mà sống cùng với em gái gần đó.
Các Thánh đường thường phải mất rất nhiều năm mới xây xong, và trong trường hợp Nuestra Seíora del Pilar phải mất cả đời người hoặc hơn.
Trong suốt gần 60 năm xây dựng, Don Justo không bao giờ xin được giấy phép xây dựng Thánh đường của mình. Bất chấp sự giúp đỡ từ gia đình, kiến trúc sư và các tình nguyện viên trong nhiều năm, Nhà thờ chưa bao giờ được chứng nhận là một công trình xây dựng tốt và có nguy cơ bị phá dỡ.
Bằng một phép màu nào đó, chỉ vài tuần trước, Thánh đường của ông cuối cùng cũng được cấp phép. Don Justo đã sống đủ lâu để biết rằng một ngày nào đó, tham vọng và ước mơ của cuộc đời ông sẽ được hoàn thành và, ngay cả khi ông sẽ không bao giờ chứng kiến điều này xảy ra, ông vẫn yên tâm vì biết điều đó Chúa sẽ lo liệu.
Bài: Sưu tầm & Biên tập