Nhà thờ chính tòa Hà Tĩnh – Nhà thờ Văn Hạnh mới được được cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày từ ngày 16 tháng 9 năm 2003. Nhà thờ có diện tích 2013m2, dài 67,8m, thân rộng 27,6m, cánh Thánh giá rộng 36m, đỉnh cao 49m, hai tháp cao 64,4m. Nhà thờ chính thức được khánh thành ngày 26 tháng 4 năm 2012
Ngày 22 tháng 12 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxico công bố thành lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách từ Giáo phận Vinh, Nhà thờ Văn Hạnh được nâng lên thành Nhà thờ Chính Tòa của giáo phận mới, nơi đặt Ngai tòa của giám mục giáo phận.
Ngược dòng lịch sử
Cho đến hôm nay, chưa có một tài liệu nào cho biết một cách cụ thể về thời gian Văn Hạnh được gieo giống Tin mừng, nhưng có lẽ là nơi đón nhận Đức tin từ rất sớm. Có thể, trong những ngày đầu, khi các thừa sai dòng Tên đặt chân lên địa bàn Nghệ - Tĩnh - Bình nên chưa có những văn bản ghi chép nhưng căn cứ vào lịch sử đạo công giáo trên địa bàn Kẻ Nhím mà Văn Hạnh từ khi còn là một giáo họ nhỏ, đã được chọn làm nơi đặt trụ sở hạt đường và được gọi là Nhà Chung Văn Hạnh.
Nói về sự kiện gieo giống Tin mừng trên khu vực về sau được gọi là Kẻ Nhím, thừa sai Đắc Lộ trong quyển Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài (Alexandre de Rhodes, Histoire de Royaume du Tokin, Lyon) có đoạn: “Từ tỉnh này (tức Bố Chính Quảng Bình) chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, chúng tôi mới bỏ trước đây.
Nhà thứ nhất chúng tôi ở là nhà hai giáo dân sốt sắng, Phêrô và Anrê. Hai ông rất nhiệt thành chinh phục tất cả đồng hương và hết sức chuẩn bị tinh thần cho mọi người, đến nỗi chúng tôi không còn phải vất vả thêm lời giảng dạy, chúng tôi rửa tội cho một trăm mười hai người trong ba ngày cư trú ở đây. Rồi từ đây chúng tôi kéo thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là Rum nơi ở của quan tỉnh niềm nở đón tiếp chúng tôi…”.
Theo các nghiên cứu thì ba ngày mà thừa sai Đắc Lộ nói đến rơi vào khoảng 25, 26, 27 tháng 4 năm 1629 và địa điểm Ngài đã ghé vào chính là Cửa Sót, thuộc giáo họ Kim Đôi, giáo xứ Trung Nghĩa ngày nay. Theo dòng triều dâng của sông Cày, chẳng bao lâu đã hình thành nên cánh đồng Kẻ Nhím.
Tên gọi Kẻ Nhím xuất hiện từ khá sớm. Đây là một trong 3 giáo xứ đầu tiên hình thành nên hạt Văn Hạnh (Kẻ Nhím, Kẻ Đông và Trại Lê). Linh mục Trương Bá Cần trong quyển Lịch sử Giáo phận Vinh, nói về các linh mục Việt Nam ở Nghệ Tĩnh Bình từ 1670 đến 1846 có đoạn: “Linh mục Bằng chịu chức lúc 49 tuổi, Đức Giám mục Bê-lô và thừa sai Ghi – danh đã phải gia công kèm cặp, trước khi giao phó cho Ngài một giáo hạt ở Nghệ An năm 1716. Ngài đặt trụ sở tại Kẻ Nhím trong huyện Thạch Hà ngày nay; năm 1725, Ngài tổ chức Năm Thánh tại Bố Chính, năm 1730, linh mục Bằng được thuyên chuyển ra tỉnh Nam, rồi mất tại đó ngày 9/11/1734.”
Theo đó, thì Kẻ Nhím là một giáo xứ bao gồm cả Trung Nghĩa, An Nhiên, Văn Hạnh và Giáo Hạ (Chân Thành) ngày nay.
Cũng như sự mơ hồ về thời điểm hai chữ Văn Hạnh được dùng để gọi tên cho vùng đất này, cho đến nay, vẫn chưa thấy tài liệu nào nói về thời điểm ra đời giáo họ Văn Hạnh. Tuy nhiên, theo những gì được kể lại thì trước khi xảy ra nạn Văn Thân, Văn Hạnh là một xóm của Kẻ Nhím đã có một ngôi Nhà nguyện thô sơ, vật liệu chủ yếu là tranh tre nứa, tọa lạc tại vườn cố Học Minh, như đã đề cập trên. Ngôi Nhà nguyện này đã bị quân Văn Thân đốt phá, riêng đồ Thánh thì vẫn được bảo toàn, nhờ cố Đổng khéo léo cất dấu trong một căn hầm bí mật tại nhà mình.
Mặc dù không có thêm nguồn thông tin nào thêm nữa, nhưng việc đã có một ngôi Nhà nguyện, và sau nạn Văn Thân, còn được thừa sai Belleville xây dựng ngôi Thánh đường kiên cố (tức ngôi Nhà thờ cũ hiện đang được sử dụng) cũng cho thấy phần nào sinh hoạt đức tin của Văn Hạnh ngày đó, hẳn là đã có nền tảng khá vững vàng.
Từ những hạt giống đầu tiên gieo xuống, Văn Hạnh chỉ là một xóm nhỏ nằm trong lòng xứ mẹ An Nhiên, nhưng nào có ai biết được sự định liệu của Thiên Chúa để mà ngày nay, chính nơi đây được đặt là ngôi nhà mẹ của một vùng đất địa linh, nhân kiệt không chỉ cho địa hạt Kẻ Nhím như hôm nào, nhưng là cho đoàn con cái Giáo hội từ Sông Lam đến tận bên này bờ Hiền Lương.
Bài: Sưu tầm & biên tập